Bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để thi hành Luật Đất đai

10/11/2024 - 08:04

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian ngắn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024, cũng như ban hành các thông tư theo thẩm quyền để bảo đảm điều kiện đưa Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 vào cuộc sống.

Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. (Ảnh TRƯỜNG GIANG)

Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. (Ảnh TRƯỜNG GIANG)

Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và luật Các tổ chức tín dụng, trong đó, đã quyết nghị Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó, đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.

Đáng chú ý, Luật Đất đai 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86 trong số 96 nội dung, tập trung vào: điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm điều kiện cho việc đưa vào cuộc sống Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch), thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành năm nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024.

Cụ thể: Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định 85/2024/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Giá. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư được giao trong Luật.

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành đầy đủ các nghị định, 7 thông tư được Luật giao... Các địa phương đã rất nỗ lực ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành theo thẩm quyền và được Luật giao, bao gồm 20 nội dung. Cụ thể, tính đến ngày 28/10/2024 đã có bốn tỉnh, thành phố đã ban hành đầy đủ 20 nội dung (gồm: Hải Dương, An Giang, Yên Bái và Thành phố Hồ Chí Minh); có 26 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành ban hành từ 16 đến 19 nội dung (đạt hơn 80%); có 25 tỉnh, thành phố ban hành từ 11 đến 15 nội dung (đạt hơn 50%).

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tám địa phương mới ban hành được dưới 10 nội dung (đạt dưới 50%), cá biệt còn một địa phương mới ban hành dưới 5 nội dung. Việc các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật và có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất trên địa bàn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, do có nhiều điểm mới và sự phân cấp mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền địa phương, nhất là quyết tâm, nỗ lực để đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống, cho nên trong thời gian đầu không thể tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện tại các địa phương.

Vì vậy, để Luật Đất đai 2024 thật sự sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định của Luật và các nghị định, thông tư khẩn trương tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, thống nhất, đồng bộ với các nghị định, thông tư, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật tại địa phương; tiếp tục quán triệt, tập huấn, tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai theo Luật Đất đai 2024.

Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên phạm vi cả nước; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ các bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn, phối hợp để tháo gỡ, giải quyết; nếu phát hiện vấn đề vướng mắc từ cơ chế, chính sách, phối hợp cùng các cơ quan có liên quan kịp thời báo cáo và tham mưu với cấp có thẩm quyền để có giải pháp xử lý; tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp để bảo đảm sự thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XIII).

Các cơ quan chuyên môn tập trung tổ chức các khóa tập huấn theo chuyên đề, đến từng nhóm đối tượng cụ thể như doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa... nhằm giúp các nhóm đối tượng nêu trên hiểu rõ chính sách đất đai và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trên tinh thần quy định của Luật Đất đai 2024. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo KHÁNH HUY (Nhân dân)