Bạo lực gia đình - cần nhận thức từ người trong cuộc

30/05/2023 - 08:15

 - Gần đây, tình trạng bạo lực gia đình không những gia tăng về số vụ mà còn tăng tính chất phức tạp, trực tiếp gây thương tổn về thể xác, tâm lý cho nạn nhân và gia đình. Do vậy, cần nâng cao nhận thức, hành động của chính người trong cuộc, thay đổi nhận thức của người xung quanh, phát huy vai trò tương trợ, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực.

Phụ nữ ở cơ sở nghe tuyên truyền về pháp luật, chính sách có liên quan đến phụ nữ

Giữa tháng 5, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip trần tình của chị Bùi Thị Tuyết Giao (36 tuổi), đang mang thai 7 tháng phải trốn từ quê chồng (tỉnh Hải Dương) về quê mẹ đẻ tại tỉnh Kiên Giang, sau thời gian dài bị chồng bạo hành. Ngay sau đó, với sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, chị Giao trở lại tỉnh Hải Dương làm đơn tố cáo chồng là Trần Văn Luân (37 tuổi). Tại cơ quan công an, Luân khai nhận, nghi ngờ chị Giao ngoại tình nên đã đánh đập, bạo hành vợ bằng nhiều cách khác nhau, như: Dùng lược, móc quần áo, thắt lưng da… đánh vào người. Trên cơ thể chị Giao có tổng cộng 205 vết thương chi chít, tỷ lệ thương tật 29%.

Vụ việc làm gia đình, dư luận rất bức xúc bởi hành vi, cách tra tấn tàn nhẫn của người chồng đối với vợ, ngay trong lúc vợ mang thai. Đây chính là lúc người phụ nữ cần sự yêu thương, chăm sóc hơn lúc nào hết, vậy mà lại chịu cảnh hành hạ thể chất và tinh thần mỗi ngày. Sự yếu đuối, cam chịu của người phụ nữ phần nào dung túng cho hành vi bạo lực của chồng từ khi mới nhen nhóm. Lại thêm sự thờ ơ từ gia đình chồng, không dám lên tiếng, không can ngăn vì sợ con dâu bị đánh đập nhiều hơn. Sự việc đã chỉ ra những hạn chế nhận thức của nạn nhân và người thân về hành vi bạo hành gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Trưởng nhóm Quản lý trường hợp, Tổ chức Hagar quốc tế, chuyên hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, xâm hại) cho biết: “Trong rất nhiều trường hợp bạo hành, nạn nhân không biết mình là nạn nhân. Khái niệm về bạo hành là cả bạo hành về thể xác, bạo hành bằng ngôn ngữ và bằng tình dục. Thông thường trong gia đình, người phụ nữ hay cam chịu, dễ tha thứ cho hành vi bạo hành của chồng, không dám tố cáo vì e ngại điều tiếng, đánh giá của người xung quanh; thương tổn đối với danh dự bản thân và con trẻ trong nhà. Chính điều đó làm cho phụ nữ ngày càng đơn độc trong cuộc đấu tranh giành lấy công bằng, giành lấy quyền được đối xử tử tế, bình yên, hạnh phúc trong gia đình của họ”.

Do vậy, việc tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới là rất cần thiết. Phải tuyên truyền để phụ nữ nhận diện hành vi bạo lực gia đình, tìm đến địa chỉ tin cậy (như hội phụ nữ, công an địa phương) để được trợ giúp kịp thời. Cùng với đó, người xung quanh cần thay đổi nhận thức, không thờ ơ với bạo lực gia đình, không xem đó là chuyện riêng tư của gia đình người khác. Đồng thời, không phê phán tiêu cực, làm nạn nhân thêm tổn thương, kéo dài thời gian chữa lành sang chấn tâm lý.

Tại An Giang, thực hiện mục tiêu “Hàng năm, không để xảy ra tình trạng vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà hội không lên tiếng kịp thời”, hội liên hiệp phụ nữ các cấp nỗ lực triển khai các hoạt động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, như: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình, nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội… Năm 2022, hội củng cố, duy trì hoạt động 272 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 48 “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh ở cộng đồng” tại 138 xã; tổ chức 245 buổi truyền thông cộng đồng về pháp luật liên quan đến phụ nữ, hơn 10.290 hội viên, phụ nữ tham dự; 3 lớp tập huấn “Kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình”, “Kiến thức pháp luật và kỹ năng cho cán bộ hội tham gia giải quyết các vụ xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các vụ án hôn nhân và gia đình” cho cán bộ hội cơ sở...

Một trong giải pháp lâu dài Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện, là ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống bạo lực gia đình của cấp huyện, nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, còn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, để nhân dân hiểu sâu hơn về vị trí, vai trò của gia đình, công tác xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức, nội dung thiết thực và phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền về chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, giúp các thành viên trong gia đình ứng xử văn minh, đạo đức.

NGỌC GIANG