Những trường hợp nào sử dụng ma túy sẽ bị xử lý hình sự
02/07/2025 - 19:53
Sử dụng trái phép chất ma túy là tội danh mới được bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Vậy, trong trường hợp nào người sử dụng ma túy sẽ bị xử lý hình sự đang là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm trong thời gian gần đây.
Không phải tất cả trường hợp sử dụng ma túy đều phạm tội
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bổ sung tội danh mới là tội sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 256a. Tuy nhiên, luật sửa đổi lần này không áp dụng đối với tất cả người sử dụng trái phép chất ma túy mà chỉ áp dụng đối với những người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong 4 trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 2-3 năm: (1) Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế; (2) Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy; (3) Đang trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; (4) đang trong thời hạn 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế.
Trường hợp tái phạm về tội này thì bị phạt tù từ 3-5 năm.
Như vậy, luật chỉ xử lý theo hướng đối với những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thúc quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.
Một nhóm đối tượng tụ tập sử dụng trái phép ma túy tại một quán karaoke ở Thanh Hoá bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. (Ảnh: MAI LUẬN).
Thực tế, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã từng có quy định về tội danh này. Song thời điểm năm 2009 khi ban hành Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 1999 thì tội danh này đã được lược bỏ và cho đến Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), trong chương các tội phạm về ma tuý cũng không có tội sử dụng trái phép chất ma túy.
Bảo đảm tính răn đe, tăng hiệu quả phòng ngừa tội phạm
Luật sư Nguyễn Văn Dũng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, việc bổ sung trở lại tội danh này là cần thiết, vì theo quy định hiện nay người sử dụng trái phép chất ma túy chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-2 triệu đồng). Chế tài này chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái nghiện, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.
Thực tiễn công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy cho thấy, hiện nay, tình hình nghiện ma túy diễn ra rất phức tạp, số người nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng; ma túy là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản...
Cùng với đó, nghiện ma túy nếu không được quản lý tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng “lây lan” nghiện đối với những người khác. Bởi, hiện nay, số lượng người sử dụng trái phép, nghiện ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, một bộ phận giới trẻ dễ bị rủ rê, lôi kéo vào con đường sử dụng trái phép chất ma túy.
Luật sư Dũng cũng chỉ ra, pháp luật hiện hành đang quy định xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội danh này chủ yếu là đối với người tàng trữ để sử dụng. Như vậy, một người sau khi mua chất ma túy để sử dụng, nếu chưa kịp sử dụng mà bị phát hiện thì bị xử lý về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, còn nếu đang hoặc đã sử dụng thì lại không bị xử lý về hành vi tương ứng.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Trước đó, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cho biết, hiện nay, số lượng người nghiện ma túy chỉ được áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nghĩa là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và thực hiện giáo huấn vừa cai nghiện, vừa chữa bệnh, tính phòng ngừa, tính răn đe không cao; trong khi đó đáng báo động người nghiện hiện đang trẻ hóa; số lượng người nghiện ngoài xã hội, cộng đồng rất lớn, tỷ lệ tái nghiện cũng rất cao. Do đó, đại biểu cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính đối với những người nghiện này đang có khó khăn, hiệu quả chưa cao nên việc hình sự hóa lên thành tội phạm là phù hợp và có cơ sở thực tiễn.
Dù đã có những tranh luận người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm, song đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) cho hay, “tôi thấy cần phân định rõ sử dụng trái phép ma túy là tội phạm và sử dụng ma túy nhiều lần đến nghiện thì càng rõ là tội phạm”. Mặt khác, họ cũng có thể là bệnh nhân do tác dụng của chính ma túy hoặc bị các bệnh xã hội do sử dụng ma túy, khi đó cần coi họ như là một bệnh nhân để điều trị, đó chính là điều trị bệnh cho một tội phạm đã sử dụng ma túy. Với nhận thức như vậy, quy định như trong luật sửa đổi lần này là cần thiết.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông), việc xử lý hành vi tàng trữ, sử dụng ma túy chỉ ở mức xử phạt vi phạm hành chính và hiện nay đang áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện hoặc bắt buộc là chưa đủ sức răn đe và đang tạo ra một khoảng trống pháp lý. Có thể đây là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ người sử dụng chất ma túy và tạo điều kiện cho tội phạm ma túy có điều kiện tồn tại và phát triển mạnh mẽ.
Đại biểu chỉ ra, việc không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm dẫn đến một thực trạng đáng lo ngại, gây bất an và tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an ninh, trật tự tại địa phương, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ cho những người thân và trong thực tế đã xảy ra.
Phân tích số liệu thống kê từ nhiều nguồn cho thấy tỷ lệ tái nghiện cao do nhiều nguyên nhân, trong đó hiệu quả chưa cao của mô hình cai nghiện bắt buộc, công tác quản lý sau cai nghiện còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế giám sát, hỗ trợ phù hợp tại cộng đồng nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, tái nghiện lên đến hơn 90%, do đó, theo đại biểu Khắc Mai, cần có biện pháp mạnh hơn, đó là hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để cắt đứt chuỗi liên kết giữa người nghiện với bọn tội phạm buôn bán ma túy, chất gây nghiện. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đối tượng này cách ly khỏi các phần tử xấu, có cơ hội phục hồi nhân cách, học nghề và tái hòa nhập một cách lành mạnh.
Điều 256a. Tội sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-3 năm:
a) Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
b) Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
c) Đang trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
d) Đang trong thời hạn 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
2. Tái phạm về tội này thì bị phạt tù từ 3-5 năm.
Theo THU HẰNG (Nhân dân)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: