Bão Mặt Trời nghiêm trọng lại tấn công Trái Đất

13/08/2024 - 14:22

Ngày 12/8, bão Mặt Trời nghiêm trọng đã tấn công Trái Đất. Cơn bão này được cho là có thể mang cực quang phương Bắc tiến xa hơn về phía Nam so với bình thường.

Chú thích ảnh

Cực quang xuất hiện tại Biển Bắc ngày 12/8/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo một trung tâm chuyên ngành thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) Mỹ, các điều kiện của bão địa từ cấp độ 4 trên thang gồm 5 cấp đã được quan sát thấy từ 15h (giờ GMT, tức 22h00 theo giờ Hà Nội) ngày 22/8. Theo NOAA, các điều kiện này có thể kéo dài trong vài giờ, song dự kiến sẽ không tăng về cường độ.

NOAA cho biết bão địa từ nghiêm trọng, trong đó có khả năng cực quang, có thể quan sát được một cách mờ nhạt ở xa về phía Nam như bang Alabama và phía Bắc bang California. Trong khi đó, nhà vật lý thiên văn tại Đài quan sát Cote d'Azur ở Pháp, ông Eric Lagadec cho biết: "Hiện có rất nhiều cực quang... Nếu nó kéo dài đến tận đêm ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy một số cực quang".

Cơn bão Mặt Trời mới này là do phun trào khối lượng vành nhật hoa (CME) - hiện tượng plasma và từ trường phóng ra từ Mặt Trời. 

Trước đó, ngày 11/8, phi hành gia của NASA, ông Matthew Dominick đã công bố trên mạng xã hội X một bức ảnh tuyệt đẹp về cực quang, hay Cực quang phương Bắc, được chụp từ Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), nơi ông đang làm việc. Tuy nhiên, các cơn bão Mặt Trời có thể gây ra những tác động không mong muốn. Chúng có thể làm suy yếu các liên lạc tần số cao, phá vỡ vệ tinh và gây quá tải cho lưới điện.

NOAA cho biết các nhà điều hành cơ sở hạ tầng nhạy cảm đã được thông báo để chuẩn bị các biện pháp hạn chế tác động.

Tháng 5 vừa qua, Trái Đất đã hứng chịu những cơn bão địa từ mạnh nhất trong 20 năm, khiến cực quang thắp sáng bầu trời đêm ở Mỹ, châu Âu và Australia, ở vĩ độ thấp hơn nhiều so với bình thường. Bão địa từ mạnh khiến con người bị đau đầu, mệt mỏi, tim đập nhanh, tăng huyết áp, tâm trạng thay đổi thất thường và mất ngủ.

Theo TTXVN