Báo quốc tế viết về văn hóa ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam

06/02/2024 - 08:42

Trang Standard.co.uk cho rằng Tết nguyên đán ở Việt Nam thường gọi một cái tên rất giản dị là Tết.

Trong khi các quốc gia phương Tây kỷ niệm năm mới theo lịch dương thì đối với nhiều nền văn hóa trong đó có Việt Nam, năm mới lại tính theo lịch âm.

Tết là dịp đón năm mới ở Việt Nam. Ảnh: Getty Images

Tết là dịp đón năm mới ở Việt Nam. Ảnh: Getty Images

Người dân Việt Nam và người Việt trên khắp thế giới sẽ đón Tết Nguyên đán bằng những ngày nghỉ dài để tập trung vào hoạt động vui vẻ như sum vầy gia đình với hy vọng vào những điều may mắn cho một năm sắp tới.

Tết Nguyên Đán, theo cung hoàng đạo Việt Nam, năm 2024 là năm con Rồng. Những năm Thìn gần đây bao gồm 1928, 1940, 1952, 1964, 1976, 1988, 2000 và 2012.

Năm nay, Tết Nguyên đán ở Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 10/2/2024.

Văn hóa ẩm thực ngày Tết ở Việt Nam

Nhắc đến Tết Nguyên đán ở Việt Nam, trang History viết: "Người dân Việt Nam sẽ trang trí nhà cửa bằng cây quất, hoa đào, hoa cúc, hoa lan và hoa lay ơn đỏ vào mỗi dịp này. Nhà cửa sẽ được dọn dẹp trướcTết để loại bỏ những điều xui xẻo của năm trước và chào đón những điều mới tốt lành trong năm mới".

Cũng theo trang History, các gia đình Việt Nam cũng trang trí mâm ngũ quả với ẩm thực đa dạng như bánh chưng, giò, xôi. Các gia đình sẽ tặng trẻ nhỏ phong bao lì xì màu đỏ mang ý nghĩa may mắn cho con cháu.

Trong khi đó, trang Laweekly cũng nhắc đến văn hóa ẩm thực vào dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Theo trang báo, trong dịp Tết, nhiều gia đình Việt Nam sẽ cùng nhau sum họp trong những bữa ăn và tham gia hoạt động truyền thống như đi chùa, tham gia các nghi lễ tổ tiên, tặng quà cho nhau, chơi trò chơi.

Tết cũng là dịp để mọi người gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp như "Chúc mừng năm mới" (Chúc mừng năm mới).

Trong văn hóa ẩm thực của người dân Việt Nam, Bánh Chưng là không thể thiếu trong dịp tết. Bánh được làm từ gạo nếp có nhân thịt lợn hoặc đậu xanh sau đó gói trong lá dong trước khi luộc hoặc hấp trong vài giờ. Đây là loại bánh tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới,

Bên cạnh đó, trang Know Insiders cũng viết về ý nghĩa thiêng liêng của Tết ở Việt Nam. Trang báo cho rằng, trong tất cả các ngày lễ của người Việt, Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất. Đây là thời điểm bắt đầu năm mới âm lịch. Ngày Tết mỗi năm đều khác nhau nhưng thường rơi vào khoảng giữa tháng Giêng đến cuối tháng Hai.

Ẩm thực Việt Nam là một phần đẹp đẽ của văn hóa Việt nên mỗi dịp Tết đến, các gia đình đều mong chờ bữa cơm Tết. Ẩm thực đa dạng của Việt Nam và phong tục chuẩn bị món ăn Tết truyền thống của Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa và ẩm thực phong phú của đất nước.

"Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Việt là một lễ hội có ý nghĩa văn hóa sâu sắc và lâu đời ở Việt Nam. Tết gắn liền với sự ấm cúng của buổi họp mặt gia đình, niềm vui trao đổi quà tặng và sự đa dạng của các món ăn truyền thống được thưởng thức trong dịp Tết. Các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết để chào đón, chúc nhau một năm mới vui vẻ cũng như đón tiếp người thân, bạn bè đến thăm", trang báo nhận định.

Tết Nguyên Đán có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt. Vào dịp này, theo phong tục, văn hóa ứng xử của mọi người trong ngày đầu năm mới sẽ có ảnh hưởng đến những ngày còn lại trong năm. Vì vậy, tất cả từ người lớn đến trẻ nhỏ luôn ý thức cao độ trong lời ăn tiếng nói cũng như làm những điều tốt đẹp trong những ngày đặc biệt này vào đầu năm mới.

Văn hóa dọn dẹp nhà cửa trước Tết

Theo trang Know Insiders, các gia đình Việt Nam thường dành nhiều thời gian để dọn dẹp, trang trí nhà cửa trước Tết. Điều này mang ý nghĩa là dọn sạch những điều xui xẻo trong năm vừa qua và chuẩn bị cho khởi đầu mới.

Người Việt cũng tỏ lòng tôn kính tổ tiên vào dịp Tết bằng cách dọn dẹp bàn thờ gia đình, trưng bày và dâng hoa, trái cây, thể hiện tấm lòng và tưởng nhớ những người thân trong gia đình đã khuất. Các bàn thờ được dọn dẹp sạch sẽ trước Tết, thêm đồ cúng và đồ trang trí mới.

"Đường phố tràn ngập những bông hoa rực rỡ của không khí lễ hội xuân đầu năm. Người dân đi chợ mua sắm quần áo mới cũng như đồ trang trí nhà cửa và nguyên liệu chế biến món ăn Tết truyền thống", trang Know Insiders ghi nhận.

Tết có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Việt Nam, có mối liên kết tình cảm mạnh mẽ và ý nghĩa tinh thần, phát triển thành một phong tục được yêu thích. Trong văn hóa Việt Nam, Tết là thời điểm để gia đình sum họp đồng thời là biểu tượng cho mối quan hệ giữa trời, đất, nhân loại và thần linh.

Tết Nguyên đán của người Việt là ngày lễ nghiêm túc và linh thiêng, chào mừng năm cũ đã qua và năm mới đến với những lời chúc thịnh vượng, hòa thuận và sức khỏe dồi dào. Ở Việt Nam, dịp Tết Nguyên Đán còn là dịp để tôn vinh di sản, nhớ về cội nguồn.

Theo Tổ Quốc