Những hình ảnh đầu tiên về bão số 9 tại Bình Thuận
Chiều nay (24-11), đã có các dấu hiệu cho thấy những ảnh hưởng đầu tiên do cơn bão số 9 trên địa bàn Bình Thuận.
Tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã có mưa, bầu trời đầy nước.
Mưa lớn đã xuất hiện trên diện rộng, sóng biển đang dâng cao do ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Cảng Phú Quý chiều nay (ảnh CTV Trường Châu).
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã có mưa, sóng biển bắt đầu dâng cao. Các địa phương ven biển như La Gi, Hàm Thuận Nam và Phan Thiết có mưa lớn.
Đảo Phú Quý là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của bão
Đến chiều, mưa càng nặng hạt, kéo dài từ 12 giờ đến thời điểm hiện tại vẫn chưa dứt. Tuy nhiên, trong đất liền vẫn chưa có gió mạnh.
Đảo Phú Quý là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của bão. Theo người dân sống trên đảo, mưa lớn liên tục trút huyện huyện đảo suốt cả buổi trưa. Gió giật cấp 6 – cấp, mạnh lên cấp 8.
Sóng bắt đầu lớn do gió giật mạnh và triều đang lên.
Đầu giờ chiều, mực nước biển càng dâng cao. Triều lên kết hợp với sóng lớn cao hơn 3 mét đánh vào bờ kè quanh đảo. Tuy nhiên, vẫn chưa ghi nhận thiệt hại do mưa bão gây ra.
Tàu thuyền neo đậu trong âu đảo Phú Quý.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết, càng về chiều, triều càng dâng cao kết hợp với gió giật, sóng lớn là điều đáng lo ngại. Trong chiều tối nay, cả huyện đảo căng mình đón bão.
Các lực lượng trên đảo hiện đang túc trực, sẵn sàng các nguồn nhân lực và phương tiện để kịp thời ứng cứu, trợ giúp dân khi có các tình huống xấu xảy ra.
Tàu cá của ngư dân neo trong bờ kè dọc xã Tam Thanh, đảo Phú Quý
Vào thời điểm hiện tại, chính quyền và người dân trên đảo đang tập trung cao độ, theo dõi liên tục diễn biến của thời tiết và hướng bão đi để sẵn sàng ứng phó.
TP HCM cấm tàu thuyền xuất bến trong chiều nay
TP HCM chiều 24/11 có công điện khẩn về việc cấm đò ngang, đò dọc, bến phà, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách, tàu hàng xuất bến hoạt động trước diễn biến của bão số 9.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, tại khu vực TP HCM, từ chiều và đêm nay có mưa rất to (ở mức 200mm-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.
Các hộ dân sống trong những căn nhà ven biển Cần Thạnh được yêu cầu phải di dời đồ đạc vào khu tránh trú trước 9 giờ sáng nay
Thực hiện, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ; Công điện hỏa tốc của Ủy ban nhân dân Thành phố về tập trung ứng phó với Bão số 9, để đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 9 gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Chi cục Thủy sản yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách, tàu hàng chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến hoạt động kể từ 13 giờ ngày 24-11 cho đến khi có lệnh mới.
Sáng nay (24-11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đi thực địa tại huyện Cần Giờ để kiểm tra công tác phòng chống thiên tai. Bộ trưởng cũng thăm, động viên người dân đang phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm để tránh bão.
Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố chỉ đạo, yêu cầu tất cả các bến phà trên địa bàn thành phố ngừng hoạt động kể từ 19 giờ ngày 24-11 cho đến khi có lệnh mới. Đồng thời yêu cầu các đơn vị quản lý phà cử lực lượng thông báo cho người dân sắp xếp việc đi lại phù hợp cho đến khi phà trở lại hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của thành phố, quận huyện chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng, tàu vận chuyển hành khách, tàu hàng còn đang hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa, các tàu thuyền đánh bắt thủy sản hoạt động trên sông, rạch; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng, gió, mưa bão gây ra.
Tất cả tàu cá của tỉnh Trà Vinh đang neo đậu, hoạt động tại vùng biển an toàn
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh, cho đến trưa nay, phần lớn số tàu đánh bắt của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn.
Riêng 42 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 200 ngư dân đang hoạt động khu vực Tây Nam Trường Sa đã nhận được lệnh và đang di chuyển xuống phía Nam, tránh xa khu vực ảnh hưởng của bão số 9.
Ngư dân Trà Vinh theo dõi sát sao bão số 9.
Toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 1.200 tàu cá và gần 5.000 thuyền viên. Hiện lực lượng Biên phòng đang theo dõi chặt chẽ các bản tin, thông tin kịp thời đến tất cả chủ phương tiện đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến được biết, để chủ động ứng phó.
Ông Dương Văn Kha ở Thị Trấn Định An, huyện Trà Cú, hộ có cặp tàu đang hoạt động ngoài khơi cho biết: “Tôi phải liên lạc ra thường xuyên ra ghe, ngày 2-3 lần, để chuẩn bị tư thế tránh bão. Bão tới đâu Đồn biên phòng nắm chính xác rồi báo cho tôi, tôi báo cho ghe. Còn trong trường hợp khẩn cấp Đồn báo thẳng cho ghe luôn. Điện thoại 24/24 giờ”.
Yêu cầu đảm bảo vận hành hồ chứa ứng phó mưa lớn sau bão số 9
Do hoàn lưu bão số 9 kết hợp không khí lạnh tăng cường sẽ gây mưa lớn mở rộng ra các địa phương khu vực Trung Trung Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường công tác vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du và đề phòng nguy cơ ngập úng, sạt lở đất. Đặc biệt là các chủ hồ chứa cần rà soát các phương án ứng phó nếu phải xả lũ trong trường hợp xảy ra mưa lớn cục bộ xảy ra khu vực này.
Cảng cá Định An (Trà Vinh) không còn nơi trụ để buộc tàu cá.
Về tình hình công tác vận hành hồ chứa, Tổng cục Thủy lợi cho biết có 159 hồ chứa thủy điện cập nhật thông tin vận hành, trong đó có 02 hồ xả điều tiết qua tràn là Hồ Đrây Hlinh, Đak Mi 4A. Lưu lượng nước về hồ thủy điện các khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung đang ở mức dao động nhẹ và vận hành bình thường.
Tại khu vực Nam Trung Bộ có 8 hồ đầy nước trong tổng số hơn 500 hồ, còn các hồ chứa vừa và nhỏ có 51 hồ đầy nước.
Ông Nguyễn Đăng Hà, Vụ trưởng Vụ An toàn hồ đập, Tổng Cục Thủy lợi, (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, các hồ chứa và các hồ chứa đang thi công đều đảm bảo an toàn chưa xảy ra vấn đề gì.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với lãnh đạo TPHCM và UBND huyện Cần Giờ.
“Riêng hồ Dầu Tiếng có dung tích khoảng 1,6 tỷ khối nước, hiện đang tích được hơn 80% với 1,3 tỷ khối. Nếu theo dự báo trong đợt mưa ở khu vực này khoảng 70mm thì không đáng lo ngại và trong kịch bản mưa lớn từ 100 đến 300mm thì chưa vận hành. Bởi nếu vận hành xả quá hơn 200m3/s sẽ gây ngập úng vùng TP Hồ Chí Minh”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo dự báo, mưa lớn cao điểm trong ngày và đêm 24-11 với tổng lượng mưa cả đợt này khoảng 400-500 mm. Vùng mưa sau khi bão đổ bộ vào đất liền có khả năng mở rộng từ Nam Bộ ra tới Trung Trung Bộ (Quảng Trị).
Riêng tại TP Hồ Chí Minh có mưa rất lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng. Các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão và không khí lạnh cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt và đảm bảo an toàn hồ chứa.
Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai yêu cầu Bộ Công thương phối hợp chính quyền các địa phương và đơn vị liên quan sẵn sàng phương án ứng phó và kiểm tra ngay hệ thống thông tin liên lạc ở hạ du các hồ thủy điện.
Ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, công tác phòng chống bão số 9 phải xong trước 16 giờ chiều nay (24-11).
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, Tổng cục Thủy lợi kiểm tra phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp, hồ đầy nước, chuẩn bị xả, hạ du các hồ chứa có nguy cơ, đồng thời bộ phận trực hồ tính toán tham mưu điều hành kịp thời.
“Ngoài việc cắt cử lực lượng địa phương, các chủ hồ đập ứng trực 24/24 đối với các hồ xung yếu nhưng với lượng mưa cực lớn và lượng mưa cục bộ vẫn chưa dự báo được, có điểm lượng mưa vượt ngoài dự báo trong thời gian ngắn. Hồ có thể đầy và gây ra các sự cố. Vậy, Tổng Cục Thủy lợi có chỉ đạo cụ thể hơn. Chính quyền địa phương rà soát ngay các phương án ứng phó ở hạ du khi các hồ chứa này nếu như bị sự cố thì có cảnh báo và sơ tán dân đặc biệt là phương án xảy ra trong đêm thì việc ứng phó rất bị động”, ông Nguyễn Trường Sơn đề nghị.
Theo VOV