Bảo tồn làng nghề truyền thống

23/07/2024 - 06:59

 - Thời gian qua, An Giang đã ban hành, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách nhằm nỗ lực bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, các làng nghề, làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững.

An Giang được biết đến với rất nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận đạt “Tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”, như: Nhang Bình Đức, lưỡi câu Mỹ Hòa, bánh tráng Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên); dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu); rập chuột An Châu (huyện Châu Thành); bó chổi cọng dừa (huyện Thoại Sơn); dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (TX. Tịnh Biên); sản xuất và chế biến đường thốt nốt Châu Lăng (huyện Tri Tôn); đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp, mộc Chợ Thủ (huyện Chợ Mới); rèn Phú Mỹ, bánh phồng Phú Mỹ (huyện Phú Tân)…

Do đó, cần thiết duy trì và phát triển ngành nghề nông thôn, các làng nghề, làng nghề truyền thống với các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của địa phương. Ngày 5/6/2023, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch 448/KH-UBND về “Phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025”.

Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề gắn bảo vệ môi trường sinh thái; tạo điều kiện cho các hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành.

Rà soát, bố trí phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quy hoạch tạo quỹ đất để tập trung các cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản đảm bảo các tiêu chí theo quy định của pháp luật. tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, lựa chọn các làng nghề và sản phẩm làng nghề tiêu biểu để xây dựng thương hiệu; tổ chức tham gia các kỳ hội chợ về ngành nghề, làng nghề nông thôn nhằm tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

Triển khai có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng công tác đào tạo tay nghề tại các làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn; có chính sách ưu đãi lao động có tay nghề tốt, thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi... tham gia đào tạo nghề cho người dân

Bên cạnh đó, các cấp, ngành triển khai các đề tài, dự án hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ cho các lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của làng nghề, ngành nghề nông thôn; khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các làng nghề đăng ký xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ khai thác, phát triển tài sản trí tuệ cho các nhóm ngành, nghề truyền thống… theo các chính sách của ngành khoa học và công nghệ đang thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở. Ban hành các cơ chế, chính sách giúp cơ sở ngành nghề nông thôn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; kết hợp sử dụng lồng ghép nguồn vốn các chương trình, như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… để triển khai thực hiện.

Sau thời gian thực hiện đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, các làng nghề, làng nghề truyền thống  trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Điển hình tại các làng nghề mộc ở huyện Chợ Mới, với các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề của địa phương, nhiều cơ sở mộc mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất, như: máy cưa vòng, máy cưa bào liên hợp, máy tiện, máy chạm 3D…

Đồng thời, chú trọng nâng cao tay nghề người thợ cũng như không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ…, góp phần đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng. Anh Bùi Văn Tấn Tài (chủ cơ sở mộc ở xã Long Điền A) cho biết: “Cơ sở của tôi chuyên về hoạt động ngành gỗ, trang trí nội thất trong nhà. Khách hàng chủ yếu là các địa phương ở ĐBSCL và có bán đi TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…

Thời gian qua, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ vốn để cơ sở của tôi đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị và mua gỗ, từ đó mẫu mã các sản phẩm ngày càng đa dạng hơn, chất lượng được nâng cao, đẹp hơn, khách hàng mua cũng nhiều hơn”.

Còn tại làng nghề sản xuất, chế biến đường thốt nốt Châu Lăng (huyện Tri Tôn), từ lâu đã quen thuộc và gắn liền với cuộc sống của nhiều người dân với phương thức thủ công. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác, sản xuất và chế biến đường thốt nốt không chỉ là công việc truyền thống mà được xây dựng thành sản phẩm thế mạnh đặc trưng.

Bên cạnh việc thành lập làng nghề, người dân còn được tập huấn kỹ thuật khai thác nước, chế biến và sản xuất đường thốt nốt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; được hỗ trợ vốn, thiết bị khai thác và nấu đường. Qua đó, giúp việc khai thác nước, chế biến và sản xuất đường thốt nốt của người dân nhẹ nhàng, tăng sản lượng và chất lượng.

Ngoài ra, các loại đặc sản từ cây thốt nốt, như: Đường, rượu, đũa, mật hoa… được các cấp, ngành hỗ trợ quảng bá phát triển thành sản phẩm OCOP. Đây là cơ sở giúp người dân giữ gìn và gắn bó với nghề truyền thống, vừa có được kinh tế ổn định, vừa góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

TRỌNG TÍN