Bảo vệ, chăm sóc trẻ mồ côi

21/02/2022 - 05:48

 - Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các trẻ em là quá lớn, không thể bù đắp được, đặc biệt là trẻ em ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nếu không được hỗ trợ thích hợp và kịp thời, các em sẽ bị ảnh hưởng dài hạn tới sức khỏe, tinh thần cũng như cơ hội thành công trong cuộc sống sau này. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 44/KH-UBND, ngày 24-1-2022 thực hiện bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ mồ côi giai đoạn 2022-2036 trên địa bàn An Giang.

Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có khoảng 2.332 trẻ mồ côi. Trong đó, 431 trẻ mồ côi cả cha và mẹ, 1.767 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 134 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 15-11-2021). Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần trong hiện tại và tương lai, nếu trẻ thiếu người chăm sóc, nuôi dưỡng… Chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, trẻ em thiếu người chăm sóc do đại dịch COVID-19, huy động nguồn lực chăm sóc cho trẻ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Hiện nay, các nhà hảo tâm có dự định tài trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chăm lo việc ăn, học đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, chưa có chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm phối hợp và giao đầu mối để có cơ sở làm việc với các nhà hảo tâm xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đồng thời, đơn vị đầu mối phải hướng dẫn, giúp đỡ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan khi có người (đơn vị) nhận nuôi dưỡng trẻ em hoặc đưa vào cơ sở nuôi dưỡng do nhà nước thành lập hoặc tư nhân xây dựng, thành lập.

Để bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp, chúng ta cần có sự trợ giúp kịp thời, đáp ứng những nhu cầu cơ bản và các vấn đề mà trẻ em gặp phải. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch lâu dài để bảo đảm mọi trẻ em mồ côi nói chung và mồ côi do đại dịch COVID-19 nói riêng đều được chăm sóc, không bị bỏ lại phía sau.

Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch cụ thể, chu đáo giúp trẻ em mồ côi ổn định cuộc sống về vật chất và tinh thần khi bị mất đi người thân; đồng thời ổn định nơi ở, có mái ấm yêu thương để được chăm sóc, nuôi dưỡng và tiếp tục được đến trường là hết sức cần thiết và cấp bách.

UBND tỉnh An Giang sẽ huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em mồ côi nói chung, đặc biệt trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật; phát triển các hình thức chăm sóc, trợ giúp thay thế đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em mồ côi với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.

Nhiều hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19. Ảnh: G.K

An Giang phấn đấu 100% trẻ em mồ côi thuộc diện chính sách trợ giúp được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định; 95% trẻ em mồ côi được kết nối hỗ trợ kịp thời trong việc thực hiện các quyền bảo vệ, chăm sóc y tế, giáo dục, vui chơi giải trí và bảo vệ trước nguy cơ bạo lực, xâm hại, mua bán, bắt cóc… trẻ em; kịp thời hỗ trợ cho 100% trẻ em mồ côi trong tình hình COVID-19; xây dựng và phát triển các hình thức nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em mồ côi do COVID-19 cho 100% xã, phường, thị trấn có trẻ em mồ côi cần được trợ giúp trong cộng đồng; hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khoảng 90% trẻ em mồ côi có nhu cầu. Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh An Giang và các đơn vị, tổ chức, cá nhân vận động nguồn lực hỗ trợ kịp thời cho 100% trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi do COVID-19.

Trước hết, tỉnh thực hiện chính sách, pháp luật, các biện pháp phòng ngừa các trường hợp có khả năng phát sinh trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19, như: Thực hiện đầy đủ, kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng, trợ giúp xã hội đối với trẻ em, nhằm bảo đảm ổn định đời sống, tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện; trợ giúp pháp lý cho trẻ em theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do trẻ em không có sự giám hộ của cha, mẹ. Hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đề xuất dự án, kế hoạch, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài cho nhóm trẻ em này.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, văn bản liên quan đến chính sách trợ giúp trẻ em mồ côi. Triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trẻ em mồ côi, như: Lồng ghép với chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo để cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% trẻ em mồ côi; triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe định kỳ, chế độ dinh dưỡng… cho trẻ em mồ côi theo các chương trình, kế hoạch của ngành.

Ưu tiên miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định cho học sinh bậc học mầm non và phổ thông (kể cả hệ giáo dục thường xuyên). Bảo đảm quyền học tập của các em theo đúng quy định của pháp luật. Phát động chương trình hỗ trợ học bổng cho các em học sinh mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19 cho đến khi các trẻ học hết chương trình PTTH, đại học, cao đẳng hoặc trao học bổng hàng năm, học bổng dài hạn…

Ngoài ra, chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; hoạt động hỗ trợ kết nối dịch vụ; triển khai thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em theo Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH, ngày 28-11-2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp trẻ em mồ côi và trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19…

K.N

 

Liên kết hữu ích