Bảo vệ sản xuất mùa khô

30/12/2021 - 06:30

 - Đầu mùa khô 2021-2022, do tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long thiếu hụt, khả năng gây thiếu nước sản xuất. Cùng với đó, cần đề phòng xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: giông, sét, lốc... trong đợt mưa trái mùa, ảnh hưởng đến vụ đông xuân 2021-2022 và hè thu 2022.

Mưa trái mùa vẫn xuất hiện

Ghi nhận tháng 10, 11-2021, nhiệt độ trung bình khu vực An Giang ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 0,1-0,6oC. Sang nửa đầu tháng 12, áp cao lạnh lục địa hoạt động với cường độ mạnh và được tăng cường, bổ sung liên tục xuống phía Nam làm cho nền nhiệt giảm mạnh, nhất là về đêm và sáng sớm.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, tổng lượng mưa tháng 10, 11-2021 hầu hết cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa năm 2021 của khu vực tỉnh An Giang được xác định kết thúc vào ngày 2-12. Tuy nhiên, vào ngày 10-12 có mưa ở diện rải rác với lượng nhỏ. Những ngày cuối tháng 12-2021, xuất hiện một số đợt mưa trái mùa với lượng mưa lớn.

Trong nửa đầu tháng 10-2021, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong biến đổi chậm. Từ ngày 15 đến 23-10, do ảnh hưởng lượng mưa lớn trên khu vực từ trung đến hạ Lào, mực nước tại các trạm gia tăng trở lại. Đây là đợt lũ cuối mùa năm 2021. Biên độ lũ lên tại các trạm từ dưới Kratie khoảng 0,8-3,3m, sau đó xuống chậm. Tính đến ngày 13-12, mực nước tại các trạm từ dưới Kratie ở mức thấp hơn TBNN từ 0,4-1,15m nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,1-0,4m. Riêng tại Kratie, mực nước ở mức cao hơn so với TBNN 0,12m và cao hơn 0,23m so với cùng kỳ 2020.

Tập trung bảo vệ sản xuất mùa khô

Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, từ đầu đến giữa tháng 10-2021, mực nước tại Châu Đốc, Tân Châu chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Trong tuần giữa tháng 10, do ảnh hưởng lũ thượng nguồn sông Mekong kết hợp thủy triều dâng cao, mực nước trên các sông lên nhanh và đạt giá trị cao nhất từ ngày 21 đến 24-10, ở mức thấp hơn năm 2020 từ 0,07-0,18m. Đây là mực nước cao nhất năm 2021. Như vậy, đỉnh lũ khu vực đầu nguồn trên sông Hậu tại Khánh An là 3,61m (ngày 24-10), dưới báo động 1 (BĐ1) 0,59m; tại Châu Đốc 2,57m (ngày 21 đến 23-10), dưới BĐ1 0,43m; trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,79m (ngày 22-10), dưới BĐ1 0,71m.

Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất năm tại Xuân Tô đạt 2,02m (ngày 27-10), dưới BĐ1 là 0,98m; tại Núi Sập 1,46m (21-10), trên BĐI 0,06m; tại Vĩnh Hanh 1,88m (24-10); tại Cô Tô 1,37m (30-10); tại Vọng Thê 1,41m (10-11), trên BĐ1 là 0,01m; tại Vĩnh Gia 1,18m (13-11); tại Lò Gạch 1,14m (14-11). Ở vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao là 2,51m (ngày 22-10), trên BĐ1 là 0,01m; trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới 2,43m (ngày 22-10), dưới BĐ2 là 0,07m; trên sông Hậu tại Long Xuyên 2,44m (ngày 6-11), dưới BĐ3 là 0,06m.

Đề phòng hạn, mặn, mưa trái mùa

Theo dự báo của các trung tâm khí hậu trên thế giới, hiện tượng ENSO trong trạng thái La Nina đến hết tháng 2-2022 với xác suất khoảng 90%; từ tháng 3 đến tháng 5-2022, ENSO vẫn ở trạng thái La Nina yếu với xác suất khoảng 50%. Sau đó, nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục tăng và ENSO có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính.

Theo ông Lưu Văn Ninh, từ tháng 1-2022 đến giữa tháng 5-2022, bão, áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông. Từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6-2022, có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Bắc của Biển Đông. Cần đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao hoạt động mạnh, gây mưa lớn.

Từ tháng 1 đến tháng 3-2022, không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh và khuếch tán sâu xuống phía Nam nên nền nhiệt độ trung bình khu vực tỉnh An Giang có khả năng xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Nhiệt độ thấp nhất ngày khoảng 18-20oC, cao nhất ngày khoảng 31-33oC. Tháng 4 đến tháng 6-2022, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN.

Cuối tháng 12-2021, vẫn xuất hiện mưa trái mùa. Tổng lượng mưa trong tháng 12-2021 và tháng 1-2022 phổ biến cao hơn TBNN. Trong tháng 2-2022, phổ biến ít mưa; từ tháng 3 đến tháng 6-2022, tổng lượng mưa xấp xỉ và thấp hơn TBNN. Cần đề phòng xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: giông, sét, lốc... trong các đợt mưa trái mùa, đặc biệt là khoảng tháng 4, 5-2022.

Đầu mùa khô 2021-2022, mực nước các trạm dọc sông Mekong tiếp tục xuống dần. Tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với TBNN. Mực nước trên các sông, kênh chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và xu thế thấp dần. Xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực Biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang diễn ra trong cuối tháng 12-2021; độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3, 4-2022 và ở mức tương đương TBNN.

Diễn biến xâm nhập mặn vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Hậu truyền vào và quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên. Độ mặn cao nhất có khả năng ở mức tương đương mùa khô 2020-2021.

Các địa phương cần cập nhật kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và sớm có kế hoạch, chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ tốt sản xuất trong mùa khô 2021-2022.

NGÔ CHUẨN