Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

04/01/2024 - 06:50

 - Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang lại cho trẻ em cơ hội tiếp cận nhiều hơn với Internet. Tuy nhiên, trẻ em chưa có đầy đủ nhận thức về nguy cơ, mặt trái của Internet, kỹ năng sống cũng như kiến thức sử dụng. Xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu, cần sự chung tay của toàn xã hội.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đang triển khai thực hiện Quyết định 830/QĐ-TTg, ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Quyết định 3004/QĐ-UBND, ngày 24/12/2020 về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với trường hợp trẻ em bị bạo lực xâm hại trên địa bàn tỉnh. Quy trình phối hợp liên ngành này đã được thực hiện khá hiệu quả trong công tác hỗ trợ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa - hỗ trợ - can thiệp).

Tọa đàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Thời gian qua, ngành LĐ,TB&XH còn tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cho bậc cha mẹ, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Nội dung được cung cấp dưới nhiều hình thức, như: Tập huấn, hội thảo, pa-nô, tờ rơi, xe cổ động… thông qua Tháng hành động vì trẻ em, diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em ở các cấp. Gắn liền với đó là nhiệm vụ tuyên truyền, phối hợp được các cơ quan được duy trì hàng năm. “Công tác phối hợp liên ngành là yếu tố rất quan trọng. Hàng năm, ngành LĐ,TB&XH đều phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang… tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, nhất là môi trường mạng trên phương tiện truyền thông, cổng thông tin của tỉnh, sân khấu hóa hoạt động, chuyên mục vì trẻ em, trên mạng xã hội…” - Trưởng phòng Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ,TB&XH) Đặng Huy Châu thông tin.

Tỉnh An Giang được Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) chọn đặt Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, đầu số 111 (hoàn toàn miễn phí). Tổng đài 111 đã kết nối giữa yêu cầu, nhu cầu của người dân, trẻ em, bậc cha, mẹ đến các cơ quan chức năng, có thể bảo vệ kịp thời trẻ em trong đời thực cũng như trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Tổng đài 111 còn chức năng khác là tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em, cha, mẹ, người quan tâm đến bảo vệ trẻ em... Giám đốc Trung tâm công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em Nguyễn Văn Nguyễn cho biết, chỉ trong tháng 12/2023, tổng đài tiếp nhận 432 cuộc gọi, trong đó 34 trường hợp can thiệp hỗ trợ chuyển tuyến (bạo lực, ăn xin, lao động trẻ em, quyền trẻ em, xâm hại tình dục và bóc lột tình dục trẻ em qua môi trường mạng). Tổng đài cũng phát huy chức năng chăm sóc sức khỏe tinh thần, dịch vụ xã hội khác, phòng ngừa tối đa nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, giải cứu kịp thời trường hợp trẻ em không biết xử lý như thế nào khi bị bủa vây bởi thông tin, hiện tượng bắt nạt trên môi trường mạng.

“Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” là chủ đề tọa đàm vừa được Sở LĐ,TB&XH phối hợp tổ chức, mong muốn giúp phụ huynh, giáo viên có thể quản lý, đồng hành với trẻ em trên môi trường mạng. Tại đây, đại diện Công an tỉnh chỉ ra những rủi ro, tiềm ẩn, tác động tiêu cực mà trẻ em gặp phải, nhất là nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực trên mạng xã hội. Ở góc độ của ngành giáo dục, trẻ em là những công dân số, được thụ hưởng thành tựu to lớn của công nghệ và kho tàng tri thức nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích, các em có nguy cơ bị lộ thông tin, đánh cắp dữ liệu, dụ dỗ, lôi kéo, tiếp cận thông tin giả mạo…

Các diễn giả đều đồng tình: Không gian mạng mang lại rất nhiều lợi ích đối với người sử dụng, kể cả trẻ em. Việc cần làm là phát huy tối đa lợi ích của không gian mạng, Internet; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của nó. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, tính bảo vệ và đấu tranh, xử lý hiệu quả hành vi xâm hại trẻ em thông qua quy trình bảo vệ trẻ em ở môi trường đặc thù. Có giải pháp tạo “vaccine số” để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Toàn xã hội tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng. Đặc biệt, tăng cường vai trò của gia đình, trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, cách nhận biết thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, cần có chế tài, xử lý đủ sức răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

MỸ HẠNH