Bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng ở Brussels, Bỉ

12/08/2020 - 20:19

Kể từ ngày 12-8, việc đeo khẩu trang trở thành quy định bắt buộc tại tất cả địa điểm công cộng tại thủ đô Brussels của Bỉ, trong bối cảnh quốc gia Tây Âu này đang phải đối mặt với một những đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất châu Âu.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Brussels, Bỉ, ngày 1-8-2020. Ảnh: THX-TTXVN

Thủ đô của Bỉ, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã ghi nhận trung bình 50 ca mắc COVID-19-100.000 dân mỗi ngày trong tuần qua. Giờ đây, mọi cư dân thành phố gồm 1,2 triệu dân này bắt buộc đeo khẩu trang khi đi dạo trong công viên, trên đường phố hay tại bất kỳ địa điểm công cộng nào khác, cũng như tại không gian riêng tư nơi người dân có thể tới. Cho tới nay, việc đeo khẩu trang chỉ áp dụng tại các địa điểm công cộng đông người và trong nhà, như các trung tâm thương mại. 

Trước đó, từ 11-7, những người từ 12 tuổi trở lên đã được yêu cầu phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng khép kín. Biện pháp này được áp dụng đối với 19 địa phương của vùng Brussels.

Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 theo đầu người cao nhất thế giới. Theo thống kê mới nhất, số ca mắc COVID-19 tại quốc gia gồm khoảng 11,5 triệu dân này đã vượt 75.000 ca, trong đó gần 10.000 ca tử vong. Việc đeo khẩu trang hiện là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại nhiều thủ đô ở châu Âu, sau quyết định tương tự được áp đặt tại Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 7. 

Trong khi đó, nhằm ứng phó với làn sóng mắc COVID-19 mới, Pháp sẽ huy động cảnh sát kiểm tra việc đeo khẩu trang của người dân tại những nơi bắt buộc cũng như việc tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội. 

Còn tại Italy, nhiều khu vực ở nước này sẽ yêu cầu cách ly đối với những người trở về từ các nước châu Âu có nguy cơ cao trong nỗ lực khống chế đợt bùng phát dịch mới.

Dự kiến, trong ngày 12-8, Tổng thống Italy Emilia Romagna sẽ ký sắc lệnh yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người trở về từ Tây Ban Nha, Hy Lạp và Malta và tất cả các nước thuộc khu vực tự do đi lại Schengen. Những người trở về từ Croatia cũng được yêu cầu cách ly. Việc cách ly bắt buộc trong 14 ngày cũng được áp dụng trong cùng ngày tại các khu vực phía Nam Puglia và Campania đối với những người trở về từ Tây Ban Nha, Hy Lạp và Malta. 

Giới chức y tế lo ngại các công dân Italy đi nghỉ mát ở nước ngoài có thể mang virus SARS-CoV-2 khi trở về và phát tán chúng trong dịp Hè, khi người dân đổ xô tới các địa điểm đông người, các bãi biển, lễ hội hay các bữa tiệc. Thống kê mới nhất cho thấy đã có hơn 251.000 người đã bị mắc COVID-19 và hơn 35.000 ca tử vong tại Italy. Các chuyên gia lo ngại trước những thông tin về những người trẻ tuổi đi du lịch nước ngoài khi trở về sẽ mang theo virus và tạo ra những ổ dịch siêu nhỏ, như nhóm 30 thanh thiếu niên ở vùng Veneto khi một số người trong nhóm này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau chuyến du lịch tới Croatia.

Trong ngày 12-8, Veneto đã ghi nhận 29 ca mắc mới với thêm 500 người được yêu cầu tự cách ly. Từ ngày 10 tới 11-8, các khu vực Romagna, Puglia và Campania ghi nhận số ca mắc mới lần lượt là 19, 20 và 23 ca.

Cùng này, Đức đã ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày cao nhất trong hơn 3 tháng, trong khi Bộ trưởng Y tế nước này Jens Spahn cảnh báo về những đợt bùng phát trên phạm vi cả nước. 

Số liệu công bố ngày 12-8 của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trong 24 giờ qua tăng 1.226 người lên 218.519. Đây là số ca nhiễm mới ngày cao nhất kể từ ngày 9-5. Số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia châu Âu này vẫn tương đối thấp, trong 24 giờ qua tăng 6 ca lên tổng cộng 9.207 ca không qua khỏi.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nêu nguyên nhân làm số ca nhiễm mới tăng cao là do những người đi nghỉ mát quay trở về và tất cả các loại tiệc tùng và tụ tập gia đình, dẫn đến những đợt bùng phát dịch tại gần như tất cả các vùng của đất nước.

Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính quyền 16 bang hồi đã quyết định dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch sau 2 tháng đóng cửa, khiến nền kinh tế lao dốc.

Tại Nga, giới chức thông báo số ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua là 5.102 người, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 của tại nước này lên 902.701 ca, cao thứ 4 thế giới. Đã có 129 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 lên 15.260 người.

Theo Báo Tin Tức