Đụng độ bên ngoài dinh thự chính thức của Thủ tướng Mahinda Rajapaks tại Colombo. Ảnh: AFP
Kênh CNN (Mỹ) dẫn thông báo của cảnh sát Sri Lanka ngày 11/5 cho biết ngoài các căn nhà bị phá hủy, có 75 ngôi nhà bị hư hại. Nhiều người Sri Lanka đã bất chấp lệnh giới nghiêm trên toàn quốc để biểu tình phản đối cách xử lý của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ năm 1948.
Bộ Quốc phòng Sri Lanka cùng ngày 10/5 ra lệnh cho binh sĩ có thể bắn bất cứ ai phá hoại tài sản nhà nước hoặc tấn công quan chức. Kể từ 9/5, đã có 5 người thiệt mạng và 200 người bị thương liên quan đến tình hình bạo lực tại Sri Lanka.
Quốc gia 22 triệu dân đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ khi giá cả các mặt hàng thường ngày tăng vọt, mất điện diện rộng diễn ra trong nhiều tuần. Kể từ tháng 3, đã có nhiều người biểu tình phản đối chính phủ đương nhiệm.
Ngày 9/5, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đệ đơn từ chức. Đến sáng 10/5, quân đội Sri Lanka phải sơ tán ông Mahinda Rajapaksa đến nơi an toàn, sau khi người biểu tình cố gắng đột nhập khu dinh thự riêng của thủ tướng.
Ngày 10/5, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachele đã lên án tình trạng bạo lực leo thang ở Sri Lanka. Theo bà Bachelet, Sri Lanka cần tiến hành đối thoại dân tộc và thực hiện các cải cách cơ cấu sâu rộng hơn để tìm giải pháp cho những thách thức kinh tế - xã hội mà nước này đang đối mặt.
Nền kinh tế Sri Lanka rơi vào khó khăn sau khi dịch COVID-19 tác động mạnh đến ngành du lịch. Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm tới 70% trong 2 năm qua và xuống mức chỉ còn 2,31 tỷ USD. Thêm vào đó, đến cuối năm nay nước này phải trả khoản nợ khoảng 4 tỷ USD trong đó gồm 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế chính phủ sẽ đáo hạn trong tháng 7.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)