Trần Anh Tú (phải) cùng Nguyễn Tuấn Minh bên những sản phẩm mới.
1. Nghệ nhân Trần Anh Tú đang say sưa "tỉa" những chi tiết cho con cá chép. Tú mạnh ở tạo tác những hoa văn khắc vạch trên sản phẩm gốm. Trên cốt gốm, đôi mắt, bộ râu, hay từng chiếc vây cá hiện lên sinh động. Đó là một phần của tác phẩm rước đèn cá chép mà Tú ra mắt đúng dịp Tết Trung thu. Em bé cầm chiếc đèn được tạo hình như những khối vuông chồng lên nhau, rất hiện đại, nhưng lại mang âm hưởng của điêu khắc đình làng. Còn con cá, được tạo hình lấy cảm hứng từ một cậu bé rước đèn cá chép trong bức tranh Múa lân của dòng tranh Hàng Trống. "Đấy là con đường của em. Sáng tác những tác phẩm mới trên nền của văn hóa dân gian Việt", Tú chia sẻ.
Trong gian trưng bày của gia đình nghệ nhân Trần Đức Tân, hay rộng hơn, là cả ở làng gốm Bát Tràng, với mấy trăm lò gốm này, ngay cả những mẫu sản phẩm được sản xuất hàng loạt, thì "gốm Trần Tú" có dấu ấn riêng. Tú thường sử dụng những họa tiết, hoa văn truyền thống, thí dụ như cúc dây, trang trí mây, hoa sen... nhưng ứng dụng vào những kiểu dáng hiện đại. Đối với mầu men, những loại men của Tú, dù là mầu mới hoàn toàn, nhưng luôn gợi cho người ta cảm giác mộc mạc, gần gũi của những dòng men cổ. Quanh khu vực làm việc của Tú, la liệt những mẫu men làm thử, la liệt sách vở về mỹ thuật dân gian. Tú bảo, nếu chỉ khai thác rồi đưa những hình tượng, họa tiết trong mỹ thuật dân gian vào gốm thì mới khai thác được "hình hài". Vấn đề là phải thẩm thấu, để mình có câu chuyện riêng trong mỗi tác phẩm, thế rồi kết hợp số "vốn" ấy, với nghệ thuật tạo hình hiện đại. Tú tin rằng, khi đó khả năng sáng tạo ra những tác phẩm có tính kế thừa, thích ứng sẽ càng cao.
Gọi Tú là nghệ nhân cũng đúng, mà là nghệ sĩ cũng không sai. Tú là con trai Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân, theo nghề cha đã nhiều năm nay. Nhưng Tú cũng mới tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trả lời cho câu hỏi vì sao được thừa kế "gia tài" đồ sộ của người cha, Tú vẫn dành thời gian theo học mỹ thuật, Tú chia sẻ đầy tự tin: "Để rút ngắn thời gian so với người đi trước, để nhận ra lớp người đi trước đúng ở đâu, chưa đúng ở đâu; để nhận ra gốm Việt như thế nào so với thế giới".
Nhưng câu chuyện nghệ sĩ-nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú không phải là một ngoại lệ đặc biệt. Chỉ tính thế hệ 8x và 9x, Bát Tràng có khoảng 30 nghệ nhân-nghệ sĩ như thế…
2. Ở nhiều làng nghề truyền thống, nhiều nghệ nhân đều "ngấm" nghề của cha ông từ tấm bé. Thế rồi say mê, nối nghiệp. Thậm chí, có những nghệ nhân tài hoa không cần học hết cấp 3. Người Bát Tràng có thể làm thế. Họ ăn ở cùng cao lanh, cùng men gốm từ tấm bé. Họ thẩm thấu kỹ thuật tạo hình, đến độ, nhắm mắt cũng vuốt thành những bình, những lọ. Họ tính trước được khi phối hợp chất nào với chất nào, sẽ có kết quả là mầu men gì... Nhưng với họ, thế vẫn là chưa đủ...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng, Phạm Huy Khôi là dân "làng Bát" chính gốc, thuộc một trong những dòng họ lập lên làng cổ nghìn năm trước. Anh không làm gốm, nhưng là một kho chuyện về Bát Tràng. Anh bảo: "Muốn hiểu chiều sâu của Bát Tràng, thì đừng chỉ tìm hiểu về gốm, đừng chỉ đến với "gốm du lịch".
Theo chỉ dẫn của anh, chúng tôi tìm về khu làng cổ. Nằm ngay bên hông chợ gốm tấp nập bán mua, làng cổ Bát Tràng tĩnh lặng đến lạ thường. Những con ngõ lắt léo không khác gì phố cổ Hà Nội, chỉ vừa hai người đi ngược chiều. Có những đoạn, tưởng là ngõ cụt, bất ngờ có lối rẽ trước mặt. Nhiều đoạn tường nguyên sơ, vẫn như cách đây hàng thế kỷ, xây bằng gạch Bát Tràng để mộc, phô ra màu mưa nắng. Tường gạch Bát Tràng nung già nên rất ít rêu. Thi thoảng mới có vạt rêu mỏng mọc ở những mạch vữa, hay dưới chân tường. Một thời, người ta "vo" than thành viên lớn, ốp lên tường cho khô, khi khô kiệt thì được dỡ ra để nung gốm. Vết than đen kịt vẫn còn đó, trở thành "phim trường" cho những nhà nhiếp ảnh, dù bây giờ, chủ yếu người ta nung gốm bằng lò than, lò điện. Những cánh cổng đều mở, và dễ dàng bắt gặp những người thợ mải mê múa bút, hay lặng lẽ rót cao lanh vào khuôn đúc. Bát Tràng là một trong những làng giàu nhất miền bắc, nhưng khu làng cổ vẫn thế. Những việc sửa sang, nâng cấp nhà cửa, đều theo lối cũ chứ không đua nhau xây biệt thự. Nhiều cổng, ngõ được làm mới, nhưng xây bằng gạch mộc, không trát vữa, để cho mưa nắng mặc sức nhuộm màu.
Những con ngõ đặc quánh gam màu cũ kỹ ấy đưa tôi đến văn chỉ Bát Tràng. Xưa, chỉ những làng có nhiều người đỗ Tiến sĩ mới được dựng văn chỉ. Bức đại tự với ba chữ "Ngưỡng di cao" (Trông lên cao vời vợi, với ý nghĩa đề cao sự học) vẫn còn đó. Văn chỉ là nơi thờ các bậc tiên Nho, là nơi tưởng nhớ, ghi danh người đỗ đạt của địa phương. Nhưng kỳ lạ tấm bia đá ở văn chỉ không được khắc một chữ nào. Sự lạ này được Phó Ban đại diện làng Bát Tràng, Hà Văn Lâm giải thích: Tấm bia nhắc nhở người làng luôn phấn đấu học hành, khi thành công cũng không được tự mãn. Bia vốn dùng để ghi công, nhưng với người Bát Tràng, nếu có công mà ghi, thì thành khoe khoang. Người ta làm gì, sẽ có hậu thế phán xét bằng "bia miệng". Nghìn năm trước, 19 dòng họ từ làng Bồ Bát (cố đô Hoa Lư, Ninh Bình) về mảnh đất ven kinh đô Thăng Long lập nghiệp. Chuyện ấy thì nhiều người biết. Nhưng nếu không đến với văn chỉ, chưa chắc người ta đã biết, làng Bát còn sản sinh ra một Trạng nguyên, tám Tiến sĩ và 364 vị tiên Nho, tiên hiền từng đỗ Hương cống, Cử nhân, Tú tài... trong thời kỳ phong kiến. Nổi tiếng nhất trong các vị đại khoa là Trạng nguyên Giáp Hải (1506-1585), người từng đi sứ nhà Minh dưới thời Mạc. Văn chỉ có riêng một ngày lễ đặc biệt-Ngày hội Thánh hiền để tôn vinh những người đỗ đạt. Bây giờ, Ngày hội Thánh hiền được kết hợp với các hoạt động khuyến học của làng Bát Tràng. "Truyền thống hiếu học ở Bát Tràng khiến người ta ý thức được việc làm nghề thì cũng phải học hành, nâng cao trình độ. Ở Bát Tràng, những người học hành đến nơi, đến chốn luôn được trọng vọng", ông Hà Văn Lâm chia sẻ thêm.
Hai mạch chảy làng gốm-làng văn ấy song hành qua tháng năm lịch sử. Làm giàu từ nghề gốm; nhưng người ta vẫn mong muốn con cháu học hành, đỗ đạt. Không phải ai cũng đỗ đạt ra làm quan. Cái sự học, cái hiểu biết của những con người ấy đã quay trở lại thổi chất "thơ" vào những sản phẩm gốm. Và khi hiểu ngọn nguồn như thế, ta mới hiểu vì sao, giới trẻ Bát Tràng hôm nay không chỉ mong muốn học hỏi nghề nghiệp từ cha ông. Họ muốn nhiều điều hơn thế từ trường, lớp cả trong nước và nước ngoài. Ngoài nghệ nhân-nghệ sĩ Trần Anh Tú, còn nhiều nghệ nhân-nghệ sĩ trẻ khác. Đó là Nguyễn Tuấn Minh, một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2021. Đó là "chuyên gia ấm đất" Trần Tú Quỳnh, hay Trần Việt Hùng, một nghệ nhân-nghệ sĩ trẻ nhưng đã thành danh với tranh gốm... Chưa kể, nhiều bạn trẻ học Trường đại học Bách khoa chuyên ngành Gốm sứ, và các trường về thương mại, quản trị kinh doanh, rồi quay trở lại phục vụ công việc sản xuất, kinh doanh gốm sứ.
3. Đến Bát Tràng, người ta sẽ được chiêm nghiệm nhiều sự lạ. Một chủ cửa hàng gốm bất kỳ cũng có thể kể ngọn ngành mình thuộc dòng nọ, họ kia. Một chị bán nước cổng chợ cũng có thể cho các vị khách biết những "việc làng", những phong tục trong ngày lễ hội, những lễ vật dâng thánh, hay những màn rước nước của Bát Tràng độc đáo như thế nào so với các nơi khác. Bát Tràng có hẳn một diễn đàn nói về văn hóa làng-"Bát Tràng-Quê hương tôi". Người thành lập, quản trị diễn đàn ấy là một thanh niên trẻ tuổi, kinh doanh dịch vụ viễn thông. Chàng thanh niên ấy là Phạm Dương, nhiều năm nay mày mò gom nhặt những ký ức làng Bát Tràng, từ những phong tục, tập quán, gốc tích những câu chuyện liên quan đến đình, chùa, miếu... hay những món ăn độc đáo của làng rồi đưa lên diễn đàn để lưu giữ, phổ biến cho cộng đồng. Dương cũng sưu tầm, chụp nhiều bức ảnh đẹp về làng cổ, về nghề gốm. Ở Bát Tràng, mấy chục năm trước, người dân làng bầu ra Ban Văn hóa truyền thống (bây giờ đổi thành Ban Đại diện nhân dân). Đó là nơi tập hợp những bậc cao niên am hiểu nhất về lịch sử, văn hóa làng Bát. Họ là những người giữ ký ức làng. Hiếm nơi nào, mà một làng còn giữ được đến 20 nhà thờ họ. Trong khi có nơi người dân muốn trả lại danh hiệu làng cổ, thì Bát Tràng là sự gìn giữ tự nguyện. Người ta phân hóa rõ ràng khu làng cổ và khu vực phát triển thương mại. Cái sự lạ ấy không khó để giải thích. Nó hình thành và được vun đắp qua năm tháng, khi người ta biết trân trọng những giá trị cha ông để lại.
Bát Tràng-làng gốm, làng văn. Hai mạch nguồn hòa quyện, được giữ gìn từ quá khứ đến hiện đại bởi chính những con người như thế. Đó chính là ngọn nguồn của sức sáng tạo, của chất "thơ" trong gốm Bát Tràng.
Theo Báo Nhân Dân