Nhìn bên ngoài, thứ mà các nhà nghiên cứu tìm được chỉ như một viên đá lạ. Nhưng đó là báu vật khảo cổ vô giá, bởi là bằng chứng sớm nhất về sự hiện diện của con người ở châu Âu. Tất nhiên với niên đại 1,42 triệu tuổi của hiện vật, họ thuộc một loài người khác.
Báu vật này đã được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Korolevo bên bờ sông Tysa phía Tây Ukraine, ủng hộ giả thuyết rằng lục địa này đã bị con người xâm chiếm từ phía Đông và Đông Nam, theo Sci-News.
Một loài người khác đã khai phá châu Âu bằng cách đi vòng qua khu vực Tây Á, đến Ukraine rồi di chuyển dần về phía Tây Âu - Ảnh: NATURE
Chếch phía Đông châu Âu có một di chỉ quan trọng ở Dmanisi - Georgia, nơi các lớp trầm tích chứa sọ người và các công cụ bằng đá có niên đại khoảng 1,85-1,78 triệu năm
Theo TS Roman Garba từ Viện Khảo cổ học và Viện Vật lý hạt nhân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Czech và các cộng sự, con đường mòn từ Châu Phi đến Dmanisi, qua "hành lang" Levant, phù hợp với các hiện vật bằng đá Mode-1 ở Thung lũng Zarqa của Jordan.
Jordan nằm ở cửa ngõ giữa châu Á và châu Phi, trong đó các hiện vật từ Zarqa khoảng 2,5 triệu tuổi.
Công cụ đá được khai quật ở Ukraine - Ảnh: NATURE
Như vậy, có thể viết lại dòng lịch sử như sau: Một loài người khác từ châu Phi đã di cư dần tới Jordan để đi sâu vào vùng Levant - là "lưỡi liềm màu mỡ" tọa lạc nhiều nước Trung Đông ngày nay - sau đó tiếp tục tiến lên miền đất nay là Georgia.
Từ đó, qua hàng triệu năm, họ tìm đến châu Âu.
Loài người tạo nên công cụ đá được phát hiện ở Ukraine được xác định là Homo erectus, một loài cực kỳ đặc biệt của chi Người (Homo) có thể bao gồm trên dưới 10 loài.
Homo sapiens chúng ta cũng thuộc chi này nhưng là loài có tuổi đời thấp nhất, trong khi Homo erectus có thể là loài cổ xưa nhất, xuất hiện trên hành tinh từ hơn 2 triệu năm trước.
Họ đã đem đến nhiều đột phá mới để tạo ra thế giới con người hoàn toàn khác biệt so với thế giới của các vượn nhân hình tiền nhiệm.
Độc đáo nhất chính là khả năng chế tác công cụ đá theo kiểu "công nghiệp", tức tuân theo một kỹ thuật chung, được truyền qua các thế hệ, từ từ cải tiến, nâng cấp.
Đây không phải lần đầu tiên các báu vật từ loài người khác xuất hiện ở Korolevo.
Mảnh đất này chứa nguồn nguyên liệu thô cho con người thời đại đồ đá. Hiện tại, với lớp hoàng thổ và đất nhạt tích tụ sâu 14 m, nó hứa hẹn phơi bày thêm vô số hiện vật thú vị.
Các hiện vật thuộc 7 thời kỳ khác nhau đã được khai quật tại đây từ năm 1974, có niên đại gần đây nhất là 30.000 năm, còn xưa nhất chính là báu vật vừa được phát hiện.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Theo ANH THƯ (Người Lao Động)