Mộ cổ Châu Can, khai quật tại Hà Nội. Chủ nhân của ngôi mộ này là cư dân văn hóa Đông Sơn - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp
PGS-TS Bùi Chí Hoàng đã được chuyên gia Đức liên hệ để tham vấn về việc chọn hiện vật cho triển lãm khảo cổ học VN tại Đức. Khi đó, ông đã tư vấn cho họ việc nên giới thiệu một số hiện vật vô cùng quý hiếm của văn hóa Champa. Trong số này có hiện vật linga bằng vàng do chính ông Hoàng tìm thấy tại di chỉ Cát Tiên (Lâm Đồng).
Linga bằng vàng
“Chúng tôi đã tìm thấy hiện vật này trong trụ của một kiến trúc. Đúng hơn là ở phần trung tâm của kiến trúc đó, độ sâu 3 m. Tại đó, chúng tôi tìm thấy linga vàng và đá. Nó là vàng nguyên chất chứ không phải mạ vàng. Cũng ở Cát Tiên, chúng tôi còn đào được nhiều hiện vật vàng nữa”, ông Hoàng nhớ lại.
Hiện vật này quý hiếm đến mức cho tới nay mới chỉ tìm thấy ở khu vực Cát Tiên. “Linga đá thì có thể thấy chỗ khác, chứ còn linga vàng thì chỉ đào thấy ở Cát Tiên. Tại Mỹ Sơn cũng có đào được một lingakosa vàng nhưng hiện nó không ở VN nữa mà mang sang Bảo tàng Guimet Pháp rồi”, ông Hoàng nói.
Tại triển lãm Báu vật khảo cổ học VN, tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội từ ngày 12.4 đến tháng 7 tới, có nhiều hiện vật khác cũng quý như vậy.
Giới thiệu những nền văn hóa rực rỡ
Triển lãm cũng trưng bày các hiện vật khảo cổ ở nhiều thời kỳ khác nhau, từ tiền sử tới thời kim khí và khảo cổ học lịch sử sau này; đồng thời cũng giới thiệu những nền văn hóa rực rỡ như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Champa Óc Eo… qua các hiện vật tiêu biểu.
Chẳng hạn, với thời kim khí, một số hiện vật văn hóa Đông Sơn được giới thiệu là vòng tay đá Phùng Nguyên, mộ cổ Châu Can, sưu tập mũi tên Cổ Loa. Theo PGS-TS Lại Văn Tới, Viện Nghiên cứu kinh thành, những mũi tên Cổ Loa là minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng nổi trội khi đó của người Việt. Nó cũng cho thấy, truyền thuyết về nỏ thần của An Dương Vương không phải đơn thuần là sản phẩm trí tưởng tượng của người xưa. Tại Cổ Loa, bên cạnh kho hàng ngàn mũi tên, các nhà khảo cổ học VN cũng tìm thấy dấu vết của khuôn đúc tên và lò đúc.
Mũi tên đồng Cổ Loa
Trong số các hiện vật khảo cổ học lịch sử, có hiện vật mô hình nhà bằng đất nung còn khá nguyên vẹn. PGS-TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết mô hình nhà này được tìm thấy trong mộ. Thoạt tiên, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là mô hình nhà của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và so sánh với mô hình chính gốc của văn hóa Hán thì thấy có sự thay đổi, không hoàn toàn giống mô hình phương bắc. Có ảnh hưởng kiến trúc Việt tới mô hình. Nó thể hiện sự thích nghi với môi trường sống tại VN.
“Đó là một ngôi nhà của quý tộc. Nó giúp hình dung về sinh hoạt của tầng lớp trên. Cái quý hơn nữa là ta hình dung được mô hình sống của một tầng lớp dân cư sống cách đây 2.000 năm rồi”, ông Hiền nói.
Theo PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các hiện vật cho thấy kỹ thuật của người xưa. Chẳng hạn, kỹ thuật thủy tinh của văn hóa Sa Huỳnh được tôn vinh qua các hạt chuỗi thủy tinh tìm thấy ở Khánh Hòa…
PGS-TS Vũ Quốc Hiền cũng cho biết, triển lãm này còn đặc biệt vì nó hoàn toàn là các hiện vật khảo cổ học do chính các nhà khảo cổ học VN phát hiện, khai quật và nghiên cứu. Thêm vào đó, để có được triển lãm này, các hiện vật phải gom từ nhiều bảo tàng, trưng bày trong nước. Chẳng hạn, Mukhalinga được mượn từ Mỹ Sơn về, hay hiện vật Hoàng thành Thăng Long cũng do Hà Nội cho mượn. Điều đó cũng lý giải vì sao triển lãm thu hút khách trong suốt thời gian trưng bày tại Đức, trước khi được trưng bày tại VN.
Theo Thanh Niên