Những dòng xe cộ ngược xuôi kéo dài hàng cây số, những gương mặt nhẹ nhàng, thành kính ngưỡng vọng đấng siêu nhiên trong làn khói hương nghi ngút, những nụ cười thích thú, choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ… tất cả tạo nên những mảng màu đặc trưng của mùa hành hương vùng Bảy Núi. Đúng với tên gọi mùa hành hương, dòng người từ khắp mọi miền đất nước tề tựu về An Giang, đi qua dòng sông Hậu hiền hòa lộng gió để đến với chốn non nước hữu tình. Với du khách, hành hương về Bảy Núi là chuyến đi của nguyện ước và cũng là “cái hẹn” của niềm tin.
Đã nhiều lần đến với An Giang, bà Nguyễn Thị Thu Sương (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) luôn cố gắng sắp xếp thời gian để đi hành hương vùng Bảy Núi. Bà Sương cho biết: “Năm nào, tôi cũng cố gắng đến thăm An Giang và nhất là vùng Bảy Núi để thắp hương, cầu nguyện cho gia đình bình an, hạnh phúc, công việc làm ăn thuận lợi. Mốc thời gian thường là sau rằm tháng Giêng, khi việc cúng bái ở các chùa gần nhà hoàn thành, tôi lên đường vào đây để thắp hương Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), rồi đi thẳng lên núi Cấm tận hưởng không khí thanh bình, an lạc của đất trời”.
Theo lời bà Sương, do quanh năm ở xứ biển nên bà rất thích được trải nghiệm không khí chốn non cao. Cũng có năm gia đình bà đi cúng viếng ở núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), nhưng phần nhiều là đến An Giang, nhất là núi Cấm. Cảm giác thả mình vào làn sương khói mong lung, thắp nén hương gửi lòng thành kính đến đức phật luôn cho bà cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng.
Bởi thế, đối với bà Sương, hành hương về An Giang như một “cái lệ” phải làm cho kỳ được trong năm. "Tính ra, không tỉnh nào ở miền Tây có nhiều chùa, miếu to đẹp như nơi này. Với lại, vùng mình có nhiều món ăn ngon mà mỗi lần tới đây gia đình tôi phải thưởng thức. Thông thường, chuyến hành hương của gia đình tôi chỉ kéo dài 2 - 3 ngày nên cũng thuận tiện cho công việc của các con” - bà Sương cho hay.
Những du khách có cùng suy nghĩ như bà Sương rất phổ biến. Họ sẵn sàng vượt đường xa hàng trăm cây số đều đặn trở lại vùng Bảy Núi, để thắp nén hương ngưỡng vọng đấng siêu nhiên, lắng nghe lòng mình nhẹ lại và tái tạo niềm tin cho cuộc sống.
Với người dân trong tỉnh, mùa hành hương là những chuyến đi xuyên rừng dài hun hút. Họ đi thành từng đoàn hàng chục và có khi hàng trăm người, theo những con đường mòn để đến các vồ, điện, động trên núi Cấm. Đoàn người đi đến đâu cũng thành kính chiêm bái để gửi gắm nguyện ước của mình, mong mỏi các bậc thánh thần sẽ phù hộ cho bản thân và gia đình trong năm mới được nhiều may mắn, bình an.
Ông Nguyễn Văn Thìn (huyện Châu Phú) là khách quen của núi Cấm nhiều năm nay. Hầu như tháng Giêng năm nào ông cũng theo đoàn hành hương đi chiêm bái những điểm thờ cúng trên khắp vùng Bảy Núi. Những chuyến đi có thể kéo dài 10 - 15 ngày với chi phí không quá cao, bởi nhu cầu của ông Thìn và các thành viên trong đoàn chỉ đơn giản là chiêm bái các đấng siêu nhiên để thỏa mãn niềm tin.
“Tôi đi hành hương để cầu mong cho bản thân và gia đình luôn mạnh khỏe. Với lại, mỗi lần đến với chốn linh thiêng, tôi cầu mong cho quốc thái dân an, cho đồng bào nhân loại được an vui, chung sống hòa bình. Trong chuyến đi, tôi được thấy cảnh núi non hùng vĩ, đẹp mắt nên cũng vơi bớt mệt mỏi, lo âu trong cuộc sống. Đến với các đấng linh thiêng, tôi dặn lòng mình phải luôn sống tốt, sống có ích cho cuộc đời và biết tìm về nẻo thiện” - ông Thìn chia sẻ.
Là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, núi Cấm đã đón 147.500 lượt du khách đến tham quan, cúng viếng từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão đến rằm tháng Giêng năm 2023, tăng hơn 10% so cùng kỳ, với doanh thu trên 2,8 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm đã nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó, đã sắp xếp, ổn định hoạt động của đội ngũ "xe ôm" vận chuyển hành khách trong khu du lịch. Đồng thời, ban hành mức giá cụ thể, thống nhất cho từng điểm đến trên núi Cấm để không xảy ra tình trạng hét giá, chặt chém du khách. Cùng với đó, đã tích cực tạo cảnh quan du lịch, lắp đặt thêm camera an ninh, hệ thống chiếu sáng ban đêm cùng nhiều hạng mục khác để du khách có trải nghiệm tốt hơn.
“Hiện nay, khu trung tâm hành hương trên núi Cấm đã được làm mới bộ mặt cảnh quan, với các điểm "check-in" độc đáo. Ngoài ra, khu chợ Mây đã có sự đầu tư về hình thức theo hướng chuyên nghiệp để phù hợp với cảnh quan du lịch xung quanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để nâng cấp hạ tầng giao thông, tăng cường thêm tiểu cảnh trên đồi thông, đồi sim cùng với dịch vụ kinh tế đêm nhằm phục vụ du khách có nhu cầu lưu trú trên núi Cấm để tận hưởng bầu không khí trong lành, thơ mộng của chốn non cao” - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm Đinh Văn Chắc thông tin.
THANH TIẾN