Bên lề chuyện làm từ thiện

08/09/2021 - 05:42

 - Giữa đại dịch COVID-19, những câu chuyện tử tế không ngừng được lan tỏa, giúp người nghèo dù trong khó khăn vẫn có thể nở nụ cười. Và đâu đó, khi trao đi tấm lòng, người làm thiện nguyện không khỏi nỗi niềm vì gặp phải cản trở, hiểu lầm hay những trường hợp cố tình nhận quà hỗ trợ, mà đáng lẽ ra nên nhường cho người thiếu thốn hơn.

Gần 2 tháng tích cực cùng các tình nguyện viên, chị K.H (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) không thể nhớ nổi mình đã trợ giúp bao nhiêu trường hợp khó khăn trong và ngoài tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nỗ lực hết sức vậy mà có hôm, tủ bánh mì miễn phí trước nhà chị phải treo bảng “tạm ngưng”. Vài người nghèo đến xin giúp đỡ ngay lúc nguồn quỹ cạn sạch, chị đành hẹn dịp khác.

Trong lúc khó khăn và nhiều người cần giúp đỡ đến vậy, lại xuất hiện trường hợp xin hỗ trợ từ nhóm từ thiện này sang nhóm từ thiện khác, thậm chí lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ. Một thành viên trong nhóm của chị K.H cho biết, hoàn cảnh, gia đình xin giúp đỡ không quá khó khăn, họ đã được nhận phần thực phẩm hỗ trợ từ trước. Ngoài ra, có gia đình đầy đủ điều kiện, vẫn tìm cách xin quà từ các nhóm cứu trợ trong mùa dịch.

Hãy để những phần quà hỗ trợ đến đúng đối tượng cần san sẻ

“Lúc này, những người thiện nguyện như chúng tôi khó khăn trăm bề, từ gây quỹ, mua hàng hóa, đóng gói đến vận chuyển… Thương bà con khó khăn, chúng tôi cố gắng tìm nguồn thực phẩm, đắn đo chi tiêu từng đồng tiền bởi ngân quỹ hạn hẹp. Đến nỗi vét tiền túi vì sợ có người đói khổ, không được giúp đỡ kịp thời. Đâu phải nhà hảo tâm nào cũng khá giả, nhưng họ vẫn chắt chiu đóng góp để có được nguồn quỹ làm từ thiện, để “nhường cơm sẻ áo” với đồng bào trong lúc cam go. Đáng tiếc, vẫn xảy ra tình trạng lợi dụng tình thương của cộng đồng để lấy quà hỗ trợ. Làm việc thiện, chúng tôi không mong cầu sự đáp trả, chỉ mong gia đình nào ổn rồi hãy nhường lại cho người khác, bởi còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đang chờ đợi san sẻ. Hy vọng rằng, tấm lòng của các nhà hảo tâm được trân trọng, được dùng đúng việc, trao đúng người” - chị K.H bày tỏ.

Một nhóm từ thiện khác ở TP. Long Xuyên do chị T.H kết nối cũng gặp tình huống tương tự. Đành rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt, người làm việc thiện không thể rạch ròi tuyệt đối. Khi phát hiện sự việc, chị H. chỉ biết thở dài: “Làm từ thiện khó lắm, đặt tâm không đúng chỗ thì thiệt thòi cho người đang cần, lại “mang tiếng” là không cho - nhận xứng đáng với đồng tiền mọi người đã quyên góp. Chúng tôi hoạt động trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Nhiều cô, bác sống xung quanh tôi là lao động làm thuê, trong mùa dịch này vẫn vượt mưa nắng đến gửi số tiền nhỏ gói cẩn thận trong mấy lớp giấy. Khi đến trao hỗ trợ cho từng nhà, chúng tôi cảm động khi nhìn thấy một số gia đình chủ động dán tờ giấy “gia đình đủ ăn, xin nhường hỗ trợ cho người khác”. Mỗi phần quà giúp đỡ nhau không đáng giá bao nhiêu, phải chi ai cũng ý thức được như vậy để dẹp dần cái xấu”.

Thời gian qua, nhóm từ thiện kết nối những người cùng tâm nguyện ở huyện Chợ Mới và Phú Tân đã vận động để chuyển hàng chục tấn nông sản, gạo, nhu yếu phẩm lên TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Mỗi chuyến xe thành công đưa hàng hóa đến điểm tập kết là quá trình vất vả, bởi phải vượt qua rất nhiều rào cản, chốt kiểm soát. Chưa kể, cần thêm lực lượng sử dụng xe máy, xe đạp tiếp tục chuyển hàng gửi tận từng nhà. Có khu vực phong tỏa kiểm soát quá chặt, tình nguyện viên phải đứng từ xa và… quăng gói hàng qua lớp rào 2m để người bên kia đón nhận. Xem những hình ảnh, video các gia đình phản hồi rằng đã nhận được quà phân phát, thấy các em bé thưởng thức hộp sữa, tô mì một cách ngon lành, mới cảm nhận từng món quà trao nhau lúc này quý đến nhường nào.

“Nhiều người không tham gia vào công việc này, nhưng lên mạng xã hội nói chúng tôi “mượn danh nghĩa làm từ thiện để trục lợi”, kêu gọi “đừng ủng hộ”. Bởi theo họ, lúc này các vùng tâm dịch đang thiếu thốn thực phẩm, họ muốn tranh thủ chở hàng hóa lên bán kiếm lời. Một bộ phận khác đang cần thực phẩm, nhưng chưa thể nhận được vì số người khó khăn đông hơn thực lực tiếp tế. Hoặc nơi kiểm soát quá gắt gao thì chúng tôi cũng không có cách nào gửi hàng cứu trợ đến được. Thành ra họ tức giận, cho rằng các đoàn hỗ trợ “có sự phân biệt, lựa chọn”, “người cần trao lại không giúp kịp thời”… Nghe thì chạnh lòng, nhưng chúng tôi cố gắng động viên nhau làm hết mình. Những người từng hiểu lầm sau này lại càng thương việc làm của chúng tôi hơn” - bà K.L (một người làm từ thiện) chia sẻ.

Vậy mới thấy, làm từ thiện không dễ. Trong cách cho và nhận, đôi khi phải học để thấu hiểu và hành động đúng. Vượt lên suy nghĩ và cái nhìn phiến diện về thời cuộc và tình người, trong xã hội vẫn lan tỏa không ngừng những hành động đẹp và việc làm ý nghĩa vì đồng bào ruột thịt. Đó mới là điều đáng hoan nghênh, trân trọng.

MỸ HẠNH