Biển Bắc Cực có thể không còn băng trong 10 năm nữa

08/06/2023 - 08:34

Ngay cả trong những kịch bản tích cực nhất, Bắc Cực sẽ bắt đầu trải qua những tháng mùa hè không có băng vào khoảng giữa thế kỷ này, sớm hơn 10 năm so với dự đoán trước đó của các nhà khoa học khí hậu hàng đầu.

Toàn cảnh biển băng ở Bắc Băng Dương gần bờ biển Svalbard, Na Uy, hôm 5/4. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo mang tính bước ngoặt gần đây nhất, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dự đoán Bắc Cực sẽ chứng kiến tháng 9 không có băng vào khoảng năm 2050, nếu con người tiếp tục thải khí nhà kính ở mức cao hoặc vừa phải.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới, được công bố hôm 6/6 trên tạp chí Nature Communications, cho biết điều này sẽ xảy ra ngay cả ở kịch bản phát thải thấp. Theo đó, lượng khí thải cao hơn khiến Bắc Cực sẽ phải trải qua tháng không có băng ngay từ những năm 2030 - 2040.

Ông Dirk Notz - nhà hải dương học tại Đại học Hamburg (Đức), chuyên về băng biển, một trong những tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi muốn nói rằng đã quá muộn để cứu băng biển mùa hè ở Bắc Cực. Chúng tôi thực sự không thể làm gì với sự biến mất hoàn toàn này vì chúng tôi đã chờ đợi quá lâu”.

IPCC từng dự đoán mùa hè không có băng sẽ diễn ra trước năm 2050, khi các mô hình khí hậu cho phép hy vọng phát thải thấp có thể trì hoãn cột mốc nghiệt ngã đó.

Độ bao phủ của băng biển Bắc Cực thường thấp nhất vào tháng 9, thời điểm cuối mùa hè, trước khi tăng trở lại vào những tháng mùa thu và mùa đông lạnh hơn, tối hơn và đạt đỉnh điểm vào tháng 3. Các nhà nghiên cứu cho rằng biển Bắc Cực không còn băng sẽ tác động lớn đến toàn cầu.

Khi sự khác biệt về nhiệt độ giữa Bắc Cực và các vĩ độ thấp hơn thu hẹp lại, sự thay đổi của dòng khí quyển sẽ dữ dội hơn. Bắc Cực ấm hơn sẽ làm băng vĩnh cửu tan nhanh hơn, giải phóng nhiều khí nhà kính hơn vào khí quyển. Dải băng Greenland có thể cũng sẽ tan chảy nhanh hơn, nghĩa là nước biển sẽ dâng cao hơn.

Bà Seung-Ki Min – tác giả nghiên cứu, đồng thời là giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang của Hàn Quốc – cho biết: “Nếu băng biển ở Bắc Cực tan nhanh hơn dự đoán, thì tình trạng nóng lên ở Bắc Cực cũng sẽ diễn ra nhanh hơn”.

Bãi biển đầy tuyết ở Unstad, Na Uy trong Vòng Bắc Cực hồi năm 2016. Ảnh: AFP

Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng khoảng 90% lượng băng tan chảy ở biển Bắc Cực là do tác động của người, 10% là do các yếu tố tự nhiên gây ra.

Ông Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia tại Đại học Colorado (Mỹ), cho biết khi tác động của con người có thể đo lường và được tích hợp vào các mô hình khí hậu, điều đó sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về thời điểm băng ở Bắc Cực biến mất. Phương pháp này chính xác hơn so với các phương pháp khác - như ngoại suy từ các xu hướng nhiệt độ trước đây.

Ông Serreze cho rằng lớp băng ở Bắc Cực sẽ biến mất vào cuối mùa hè trong tương lai. Nhưng câu hỏi luôn luôn là khi nào, và câu trả lời luôn phức tạp bởi một số yếu tố - bao gồm sai sót trong các mô hình khí hậu hiện có và lượng lớn biến thiên tự nhiên trong dữ liệu khí hậu. Dù ở bất kỳ thời điểm nào, những thay đổi về mô hình thời tiết hầu như không thể dự đoán được. Hơn nữa, các hiện tượng như El Niño hoặc La Niña có thể gây ra những biến động kéo dài tới vài năm.

Theo nhà hải dương học Notz, dù biết rằng băng tan chủ yếu do hoạt động của con người gây ra và chúng ta có thể hành động để làm chậm sự biến mất đó. Tuy nhiên, khi mô hình khí hậu được cải thiện, ông dự đoán sẽ có nhiều tin xấu hơn.

“Tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều nghiên cứu tương tự được tiến hành, khám phá các khía cạnh khác của hệ thống Trái Đất. Điều đó cũng sẽ nói lên rằng: Chúng tôi đã luôn cảnh báo con người nhưng con người không phản ứng. Bây giờ đã quá muộn để hành động”.

Theo Báo Tin Tức