Biên giới mùa mưa

22/05/2020 - 04:07

 - Mấy hạt mưa lất phất tạt vào mặt những người lính mang quân hàm xanh trên chiếc vỏ lãi đưa tôi đến thăm mấy chốt canh biên giới. Mùa mưa đến đồng nghĩa với cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ tham gia vào tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng vất vả hơn, bởi những yếu tố cực đoan từ thời tiết.

Nhanh tay rót chén trà mời khách, thiếu tá Bùi Công Cường (Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang) không giấu được sự lo lắng. Bởi, người lính ấy biết rằng đồng đội của mình đang vật lộn với màn mưa ngoài kia. Vừa ngồi trò chuyện, thiếu tá Cường vừa liếc nhìn vào màn hình điện thoại để ngóng tin những anh em đang trực chiến trên các chốt gác dọc theo tuyến biên giới dài hơn 10km của xã An Phú và Nhơn Hưng (Tịnh Biên).

Ông Cường cho biết, trận mưa đầu mùa hôm trước đã làm tốc một số mái lều dựng dã chiến nên anh em trong đơn vị phải nhanh chóng khắc phục. Dù trời đang mưa, họ vẫn phải chặt cây, vận chuyển các tấm bạt để dựng lại “doanh trại” của mình. Hiện nay, tất cả lều bạt đã được gia cố chắc chắn để có thể chịu được sức gió trong những tháng mưa. Tuy nhiên, nỗi lo chỉ tạm qua đi khi đến thời điểm mưa “già” thì chuyện ăn, nghỉ, sinh hoạt của anh em sẽ càng khó khăn hơn.

Khi những tia sét vừa dứt trên bầu trời âm u, tôi được theo chân thiếu tá Bùi Hồng Nam (Chính trị viên phó) và đại úy Võ Huy Hoàng (Phó Trưởng đồn Biên phòng Nhơn Hưng) lên kiểm tra tình hình các tổ công tác. Giữa cơn mưa còn rả rích, chúng tôi thẳng tiến lên biên giới. Những hạt mưa mang theo cái tê buốt của đất trời đáp chi chít lên mặt. Tiếng máy vỏ lãi lạch tạch đưa chúng tôi đến với tổ công tác số 5 thuộc Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, nơi có địa hình khá bất lợi, nhất là trong thời điểm mùa mưa.

 Theo đại úy Võ Huy Hoàng, đây là tổ công tác khá đặc biệt bởi không có lều bạt mà anh em phải sử dụng chiếc chẹt của người dân đậu bên bờ rạch để trú nắng, trú mưa. Anh em trong tổ đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Mưa ngớt. Khói bếp từ trong chiếc chẹt bốc lên sưởi ấm lòng người.

Sau khi thăm hỏi tình hình, thiếu tá Bùi Hồng Nam và đại úy Võ Huy Hoàng ân cần động viên anh em cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của nhân dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Là cán bộ tăng cường cho BĐBP An Giang, trung úy Đỗ Văn Huấn (Đồn Biên phòng Sông Đốc - BĐBP Cà Mau), đã tạm xa miệt biển để lần đầu tiên đến với vùng biên giới An Giang.

Với trung úy Huấn, kỷ niệm đáng nhớ nhất vẫn là sự đồng lòng, ủng hộ của người dân trong những ngày các anh “căng mình” chống dịch bệnh, giữ vững biên cương. Thấy anh em vất vả, người dân đã lợp mái tole cho chiếc chẹt để mọi người có thêm không gian sinh hoạt. Nhờ đó, anh Huấn và các thành viên trong tổ công tác mới thoát cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Thành viên các Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong mùa mưa 

Bằng nụ cười hiền hòa, anh em trong tổ công tác không ngần ngại khoe chiến tích là mấy hàng rau xanh mơn mởn. Do vị trí ở xa dân cư nên họ phải tranh thủ tăng gia sản xuất để cải thiện bữa cơm, nhất là khi mưa xuống thì việc đi đứng sẽ khó khăn hơn. Người lính cụ Hồ là thế. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thích nghi, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!

Chia tay anh Huấn và Tổ công tác số 5, tôi đến thăm chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 số 10 của Đồn Biên phòng Nhơn Hưng. Khi những đôi chân trần dính đầy bùn đất của chúng tôi còn cách chốt chừng 20m đã nghe tiếng chó sủa vang trời.

Trung úy Hoàng Văn Hệ (Tổ trưởng Tổ công tác) ra đón chúng tôi mà vẫn không quên trấn áp mấy kẻ “to mồm” kia. Trung úy Hệ cho biết, 2 con chó mà anh em nuôi là 1 “chú” và 1 “cô”. Những con chó ấy cũng là “thành viên” của tổ công tác này, cùng tham gia vào nhiệm vụ chốt chặn đường mòn, lối mở và phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới.

Ngoài nhiệm vụ, anh em trong Tổ công tác số 10 còn tranh thủ nuôi gà, nuôi thỏ. Có lẽ, đây là chốt tăng gia sản xuất khá tích cực bởi điều kiện đóng lều bạt khá thuận lợi. Anh Đặng Văn Đời (Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Tân Lợi, Tịnh Biên, thành viên của Tổ công tác số 10) vui vẻ khoe mấy chú thỏ đang lớn.

Anh Đời chia sẻ, dù nhiệm vụ vất vả cả ngày lẫn đêm nhưng thành viên của tổ công tác đều cảm thấy vui vẻ mỗi khi nhìn thấy thành quả lao động của mình. Họ tự nhủ, trạng thái “bình thường mới” của mình chính là bám trụ biên cương, mang đến sự an tâm cho người dân trong thời điểm thế giới vẫn còn đang vất vả chống lại cơn đại dịch.

Cán bộ, chiến sĩ tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn 

Những ngày này, thiếu tá Trương Quốc Hưng (Phó Trưởng đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên) vẫn thường xuyên đến động viên cán bộ, chiến sĩ các tổ công tác nỗ lực đội nắng, thắng mưa hoàn thành nhiệm vụ. Do địa hình một số chốt đóng trên tuyến biên giới thị trấn Tịnh Biên và xã An Nông khá trống trải nên mùa mưa sẽ rất dễ bị tốc mái.

Thiếu tá Hưng thường xuyên đến tham gia trực đêm chung với anh em các tổ công tác nên ông hiểu rõ sự vất vả của họ. Mưa xuống cùng với việc các ruộng lúa chưa thu hoạch đã trở thành ổ muỗi. Anh em trực đêm dù đã trang bị các biện pháp đối phó nhưng cũng không mang lại hiệu quả nhiều. Tuy vất vả, nhưng mọi người luôn cố gắng động viên nhau không được lơ là nhiệm vụ.

 Tuyến đường biên giới dọc theo thị trấn Tịnh Biên những ngày mưa trơn như đổ mỡ, xe gắn máy không thể vào đến chốt nên anh em chọn cách đi bộ mỗi khi cần mua sắm nhu yếu phẩm. Với những chốt ở xa, mưa xuống đồng nghĩa với việc ăn mì gói cho qua bữa nên những con gà, con vịt tự nuôi trở thành cứu cánh cho anh em.

Cực nhọc là thế nhưng khi dịch bệnh trong nước được đẩy lùi, tình hình biên giới ổn định đã giúp cho thiếu tá Trương Quốc Hưng và các thành viên của 22 Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên cảm thấy phấn khởi, tự tin hơn trên chặng đường sắp tới.

Chia tay các tổ công tác phòng, chống dịch trên tuyến biên giới Tịnh Biên khi ánh nắng chiều muộn hé lên sau những đám mây còn thấp là đà, tôi còn nhớ như in gương mặt sạm đen và nụ cười của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và dân quân tự vệ. Họ vẫn có gia đình riêng nhưng chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Mùa mưa tới, các anh có thể sẽ thêm phần vất vả nhưng sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống lại cơn đại dịch toàn cầu.

THANH TIẾN

 

 

Liên kết hữu ích