Biến thể Omicron lây lan mạnh ở Đông Âu

27/01/2022 - 07:58

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, hơn một nửa số ca tử vong hiện nay tại Lục địa già là từ Đông Âu, trong khi dân số của khu vực này chỉ chiếm 39% dân số châu Âu.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Đông Âu thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Dự kiến biến thể Omicron sẽ gây ra áp lực lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia này.

Các ca tử vong vì COVID-19 ở Đông Âu đã vượt quá ngưỡng 1 triệu người và con số này được dự báo còn tiếp tục tăng lên khi biến thể Omicron trở thành biến thể chủ đạo gây ra các ca mắc mới trong khu vực.

Các quốc gia Belarus, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hungary, Moldova, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia và Ukraine chỉ chiếm 39% tổng dân số của châu Âu. Tuy nhiên, kể từ đầu đại dịch COVID-19 tới nay, số ca tử vong vì COVID-19 của khu vực này chiếm tới một nửa số ca tử vong tại châu Âu.

Ở Đông Nam Châu Âu, Romania đang ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày cao nhất từ trước tới nay.  Ngày 20/1 vừa qua, nước này đã ghi nhận trên 19.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất mà nước này ghi nhận kể từ đầu đại dịch, và tình hình được dự báo sẽ tồi tệ hơn nhiều.

Bà Adriana Pistol, Giám đốc Trung tâm Giám sát và Kiểm soát các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Romania, cảnh báo rằng quốc gia này có thể ghi nhận mức cao nhất là trên 25.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Bà cho biết thêm, ngay cả khi biến thể Omicron ít gây ra tình trạng bệnh nặng hơn, hệ thống y tế của Romania chắc chắn vẫn sẽ bị quá tải.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bucharest, Romania, ngày 25/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Romania là quốc gia thành viên có tỷ lệ tiêm chủng thấp thứ hai trong EU, với chỉ 41% dân số đã được tiêm đủ liều. Đáng lo ngại hơn nữa trong số những người từ 65 tuổi trở lên ở Romania hoặc mắc các bệnh mãn tính, khoảng 60% vẫn chưa được tiêm phòng. Trong khi liều vaccine tăng cường được coi là cần thiết để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ trước Omicron, các bác sĩ chuyên khoa lưu ý rằng 3/4 số người được tiêm chủng đầy đủ ở Romania vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Romania có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu và thiếu tài chính nhất của EU, và hệ thống y tế công nước này đã đối mặt với nguy cơ sụp đổ cách đây vài tháng trong đợt bùng phát các ca bệnh COVID-19 vì biến thể Delta.

Nước láng giềng của Romania là Bulgaria cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở EU, với chỉ 28% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Mặc dù đã trải qua một đợt bùng phát dịch vào mùa Thu năm ngoái, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế, chiến dịch tiêm chủng của nước này vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ. Các số liệu của chính phủ cho thấy quốc gia có 7 triệu dân này mới chỉ tiêm được 255.000 liều vaccine tăng cường. Bulgaria hiện có khoảng 12.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, gấp đôi mức đỉnh điểm 6.000 ca/ngày của đợt dịch trước.

Cộng hòa Séc cũng đang ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay,  với gần 30.000 ca mắc mới mỗi ngày. Đất nước với dân số 10,7 triệu người này là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron. Dự kiến, làn sóng Omicron sẽ lên đến đỉnh điểm tại nước này vào cuối tháng 1, với khoảng 50.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Theo ĐỨC HÙNG (TTXVN)