Bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số

12/11/2024 - 07:00

 - Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi) đã đạt được kết quả nhất định. Các nội dung hoạt động, mô hình ở huyện Tri Tôn là điển hình về thay đổi nếp nghĩ, cách làm xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng.

Truyền thông bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình

Tại một buổi truyền thông, ngồi xem tiểu phẩm về bạo lực gia đình, bà Kim Chang (khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc) rươm rướm nước mắt. Bà nghĩ về thời còn trẻ, có rất nhiều phụ nữ từng bị bạo lực, nhưng quan niệm lúc đó cho rằng chồng gia trưởng, đánh vợ là lẽ đương nhiên. “Bây giờ, đời sống tiến bộ, gần như không còn vấn nạn đó nữa. Theo tôi, không chỉ nhận thức của người lớn thay đổi, mà việc giáo dục từ sớm cho con cháu trong gia đình cũng rất quan trọng về bình đẳng giới để có được kết quả này” - bà Kim Chang bày tỏ.

Ông Chau Sin (ngụ khóm An Bình) là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các vị sư sãi, những cá nhân như ông Chau Sin đóng vai trò rất quan trọng. Ông cho rằng, giữa vợ chồng luôn có trường hợp nóng nảy, lớn tiếng… rất cần người còn lại điềm tĩnh để cân bằng bầu không khí. Khi chồng nóng giận, người vợ nên tránh đi chỗ khác. Ngược lại, khi vợ lớn tiếng, người chồng nên im lặng. Qua cơn thịnh nộ, cả 2 cùng trò chuyện, góp ý, chỉ ra vấn đề. Có như vậy, gia đình sẽ êm ấm, hài hòa, không dây dưa lời qua tiếng lại.

Bạo lực gia đình tồn tại dưới 4 hình thức: Vật chất, tinh thần, kinh tế và tình dục. Trong cuộc sống hiện nay, xu hướng bạo lực kinh tế dần lấn chiếm nhiều hơn, đi kèm với bạo lực tình dục là những hành vi âm thầm, khó nhận diện. Thực trạng này để lại hậu quả nghiêm trọng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong số đó có liên quan đến thực thi pháp luật; công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa đồng bộ, mạnh mẽ. Vì vậy, cộng đồng và mỗi công dân phải đấu tranh để hạn chế, xóa bạo lực gia đình trong đời sống xã hội.

Tri Tôn là huyện miền núi, dân tộc, đa tôn giáo, biên giới, dân số hơn 33.400 hộ, 134.700 nhân khẩu. Trong đó, phụ nữ 18 tuổi trở lên khoảng 41.000 người, hộ nghèo chiếm 6,5%, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ… Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn II (2022 -2027), hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiên các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, vấn đề xã hội có liên quan…

Đến nay, địa phương chuyển biến tích cực về nhận thức quyền, nghĩa vụ của phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình về xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn còn nỗ lực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ, tư vấn kịp thời trường hợp xâm hại… Đầu nhiệm kỳ đến nay, có 5 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành trong gia đình. Các trường hợp bạo hành đã được mời giáo dục răn đe, cho cam kết không tái phạm. Nạn nhân bị bạo hành được thăm, hỗ trợ kinh phí, động viên.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện được phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 8, với 19 khóm, ấp thuộc 6 xã, thị trấn (Cô Tô, Ba Chúc, Núi Tô, Ô Lâm, An Tức, Lê Trì) tham gia. Đến nay, 227 lượt cán bộ hội cơ sở, thành viên tổ truyền thông cộng đồng và tổ địa chỉ tin cậy được tập huấn kỹ năng truyền thông tại cộng đồng, hướng dẫn thực hiện hoạt động tổ địa chỉ tin cậy…

Huyện còn ra mắt 13 tổ truyền thông cộng đồng, củng cố nâng chất 1 tổ địa chỉ tin cậy tại xã Lê Trì; tổ chức 57 điểm truyền thông về Luật Phòng, chống bạo luật gia đình, Luật Trẻ em… cho gần 4.000 người tham dự, chú trọng đối tượng phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong học đường, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp ngành giáo dục ra mắt 3 “Câu lạc bộ thủ lĩnh”, có 29 thành viên tham gia; tổ chức truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em tại 6 điểm trường THCS. Đặc biệt, địa phương phát động cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc”, cuộc thi có 35 tác phẩm tham gia, chấm chọn 19 tác phẩm để trao giải.

Mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gia đình.

MỸ HẠNH