Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chủ trì Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Trong những năm gần đây, Bình Dương có sự phát triển vượt trội trên nhiều mặt, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước và có sức hút đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Đó là thành quả của việc tận dụng tốt những ưu thế sẵn có cũng như sự linh hoạt, sáng tạo không ngừng trong chiến lược thu hút đầu tư.
Trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ xuất phát điểm khá thấp, Bình Dương là minh chứng thành công từ việc chủ động tạo ra "lực hấp dẫn" để thu hút các nhà đầu tư.
Tận dụng tốt các lợi thế
Bình Dương nằm ở Đông Nam Bộ, có lợi thế là cửa ngõ giao thương, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các trục lộ giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3, vành đai 4, đường Xuyên Á.
Từ Bình Dương có thể kết nối với sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển lớn trong vùng như Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải một cách thuận lợi.
Tại địa phương, Bình Dương cũng đã đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp khá bài bản và hoàn chỉnh. Điển hình như với tuyến đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua Bình Dương dài 25,7km (trùng với tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn) đã được tỉnh chủ động đầu tư hoàn thành.
Hiện tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn-Bàu Bàng, "con đường tơ lụa" thúc đẩy kinh tế cả vùng, dài khoảng 64km cũng đã được thông xe toàn tuyến. Dự án thi công mở rộng đường ĐT743 lên 6 làn xe cũng được dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương được đánh giá là tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong hệ thống giao thông của Bình Dương, tỉnh đã đầu tư hàng loạt trục giao thông xương sống như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước-Tân Vạn-Bàu Bàng.
Ngoài ra, còn hàng loạt tuyến đường nội bộ trong các khu công nghiệp đã kết nối các tuyến đường chính của tỉnh và các tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá về tầm nhìn chiến lược của Bình Dương trong phát triển hạ tầng giao thông, ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Polytex Far Eastern (Việt Nam) cho rằng Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối vùng để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
“Các nhà đầu tư đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, rộng khắp. Nhận thấy được định hướng phát triển của Bình Dương trong tương lai chính là lý do chúng tôi đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy tăng gấp đôi tại Khu công nghiệp Bàu Bàng,” ông Yeh Ming Yuh chia sẻ.
Xây dựng cơ chế cạnh tranh
Bên cạnh vị trí đắc địa, giao thông và hạ tầng phát triển, Bình Dương luôn nằm trong top những địa phương được đánh giá cao trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với nhiều chủ trương như "Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" và "Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài" đã tạo cơ chế, môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Dương.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Bình Dương tại điểm cầu Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Bình Dương là tỉnh có sự cải thiện mạnh mẽ nhất với mức tăng 2,78 điểm và tăng 9 bậc so với kết quả năm 2019.
Trong số đó, Bình Dương được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao về các chỉ số gia nhập thị trường và công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là kết quả của việc tỉnh Bình Dương đã rà soát và hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục về đầu tư, thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình.
Đồng thời, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án đi vào triển khai và sản xuất kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI Giám đốc Dự án PCI, đánh giá Bình Dương là một “hiện tượng” trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh. Bình Dương là địa phương có tư duy phát triển kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam, là một trong nhưng tỉnh đã có những bước chuyển rất mạnh mẽ từ cách đây hơn 10 năm.
“Bình Dương có trung tâm hành chính công được các doanh nghiệp đánh giá hoạt động rất hiệu quả. Chất lượng hạ tầng của Bình Dương cũng luôn nằm trong top đầu của cả nước về khu công nghiệp, đường sá, internet, điện…Đó là cơ sở để Bình Dương có những đột phá mạnh mẽ trong thu đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng,” ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ở vai trò là nhà đầu tư, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương đánh giá Bình Dương là nơi hội tụ đủ các yếu tố thu hút nhà đầu tư hiện nay. Các khu công nghiệp tại Bình Dương có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, cùng môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả.
Bộ máy quản lý dịch vụ công của Bình Dương cũng có nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, không ngừng ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng internet, bảo đảm xử lý các thủ tục hành chính đúng thời hạn cũng như tích hợp các dịch vụ tiện ích trong hỗ trợ doanh nghiệp./.
Theo XUÂN ANH (Vietnam+)