BLV Quang Huy: Bản quyền AFF Cup 2020 đắt vì CĐV Việt Nam yêu bóng đá

24/04/2020 - 08:21

BLV Quang Huy lý giải vì sao giá bản quyền AFF Cup 2020, giải đấu mà đội tuyển Việt Nam đang là đương kim vô địch, tiếp tục tăng thêm nhiều triệu USD.

Vấn đề bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 đang gây sốt khi có thông tin cho rằng đơn vị sở hữu muốn bán bản quyền với mức giá 5 triệu USD (hơn 115 tỷ đồng). Theo BLV Quang Huy, chính tình yêu bóng đá của người Việt Nam là cái cớ để bản quyền được đẩy lên mức giá cao, dù đó là giải đấu chỉ ở tầm Đông Nam Á như AFF Cup. 

"Bản quyền AFF Cup và một số giải có tuyển Việt Nam tăng giá có nguyên nhân rất lớn đến từ chính Việt Nam, bởi khán giả chúng ta rất yêu bóng đá, không thể không xem các giải lớn.

Có nhiều nước, các đài truyền hình tuyên bố luôn là 'không phát giải này' vì không cân đối thu chi được, người ta coi đó là chuyện bình thường vì quen xem mất phí rồi. Với riêng Việt Nam thì sự thực là các nhà đài dù chuyển sang kinh tế thị trường, thì có lỗ vẫn phải làm", BLV Quang Huy khẳng định. 

Các giải đấu có tuyển Việt Nam tham dự đều có sức hút lớn. 

"Có thời gian CĐV không hứng xem tuyển Việt Nam ở các giải lớn, bởi khi ấy chúng ta thua nhiều, có những trận đấu theo kiểu một mất mười ngờ. Tuy nhiên, gần đây đội tuyển có thành tích tốt, chứng tỏ được hào khí dân tộc và làm chúng ta rất xúc động khi xem.

Do đó, nhu cầu xem càng lớn. Người ta nắm được chuyện này nên cứ đẩy giá lũy tiến từng năm thì không có gì đặc biệt cả. Điều đó nằm trong dự liệu của chúng ta rồi".

Theo BLV Quang Huy, để giải quyết vấn đề bản quyền, các nhà đài nên có sự hợp tác và có một đơn vị đủ tâm, đủ tầm đứng ra đóng vai trò "nhạc trưởng" điều tiết cuộc chơi. 

Một đài làm, nhiều đài tiếp sóng cũng được, nên tối ưu hóa nguồn lực, chứ không "nướng" hết tiền vốn liếng của mình vào bản quyền. Có nhiều đài mệt mỏi khi phải bung hết sức mua bản quyền. Tôi cũng có sự chia sẻ và mong muốn có sự điều tiết", BLV Quang Huy nhấn mạnh. 

CĐV Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt. 

BLV Quang Tùng cho rằng mức giá 5 triệu USD chưa chắc đã đắt, bởi đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào cách khai thác từ thị trường và những giá trị chúng ta thu lại khi sở hữu bản quyền. 

"Chúng ta có thể hiểu vấn đề giá cả phụ thuộc vào thị trường. Khi nhu cầu lớn, cơn khát ở mức độ cao thì giá sẽ phải tương đương. Những người kinh doanh phải có sự nhạy cảm, đưa ra dự định mức giá trên yếu tố nhu cầu của thị trường.

Rất khó để nói mức giá 5 triệu USD có đắt hay không. Chẳng qua chúng ta nhìn thấy mức giá đó vượt trội so với lần trước nên có cảm giác đắt. Mua bản quyền đó về thì thu được gì? Chúng ta có thị trường 100 triệu dân và vài triệu Việt kiều ở nước ngoài có thể quan tâm đến sự kiện đó.

Bóng đá Việt Nam lúc này là hiện tượng, nên khó để nói 5 triệu USD là đắt hay rẻ, có chăng là vượt trội lần trước nên có cảm giác đắt.

5 triệu USD thu về để dành cho quỹ của LĐBĐ Đông Nam Á mà LĐBĐ Việt Nam là một thành viên trong đó. Số tiền bản quyền truyền hình sẽ góp phần cho sự phát triển của LĐBĐ khu vực cũng như LĐBĐ thành viên. Số tiền có cần thiết, phù hợp không, chúng ta sẽ có câu trả lời", BLV Quang Tùng chia sẻ, đồng thời cho rằng các nhà đài cần có chiến lược mua bản quyền các giải theo gói, có thể mua nhiều năm, thay vì mua từng năm lẻ. 

Tiền bản quyền được tái đầu tư trở lại bóng đá?

"Nói về khả năng ứng phó của nhà đài, đơn vị truyền thông khi mua bản quyền thì chúng ta thường phản ứng hơi bị động, ở thế yếu so với nhà cung cấp bản quyền, hay có phần bị 'dắt mũi' trong cuộc chơi.

Khi những người tham gia cuộc chơi ngày càng chuyên nghiệp hơn, có thể tính tới chiến lược hay giải pháp như đoàn kết giữa các nhà đài, nhưng đó chưa chắc đã là câu chuyện dài hơi, bởi đây là bản quyền cho một sự kiện.

Các nhà kinh doanh bản quyền chuyên nghiệp đang khuyên là liệu có nên mua gom một gói rộng hơn, có chiều sâu hơn, đòi hỏi chiến lược kinh doanh, nguồn lực tài chính để chiến đấu chặng đường đủ dài, có thể là 6 năm, 8 năm, 10 năm hay nhiều hơn nữa.

Không chỉ AFF Cup mà còn là tổng thể nhiều giải chung. Các sự kiện theo chu kỳ thì liệu nên mua gói rộng hơn, như mua liền 3 kỳ Olympic phát sóng trong 12 năm.

Tiền có thể lạm phát nhưng giá không thể tăng vì mua rồi. Chuyện đó đòi hỏi năng lực tài chính mạnh, có chiến lược khai thác, kinh doanh. 5 triệu USD không đắt nếu đó là giải đấu trăm triệu người mong muốn, chưa kể những thứ có thể gia tăng từ sự kiện này", BLV Quang Tùng phân tích. 

Chia sẻ về vấn đề mua bản quyền theo gói, BLV Quang Huy lại cho rằng đôi khi không phải muốn là được, bởi ở những thị trường tiềm năng, tăng trưởng nhanh như Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đôi khi đơn vị bán bản quyền lại muốn bán rời từng giải để tăng giá. 

"Đơn vị bán bản quyền rất 'ma lanh', họ biết thị trường Việt Nam yêu thể thao, có những giải đấu họ chỉ bán từng mùa một, mua nhiều họ cũng không bán. Có những khu vực họ bán được vài kỳ là tốt rồi, thu được một mớ bởi đây không phải khu vực tiềm năng, nhưng với Việt Nam là có kiểu bị chặt lẻ, không bán liền vài kỳ.

Do đó, chúng ta rất cần có sự điều tiết của 'nhạc trưởng'. Đôi khi cơ quan nhà nước định hướng thôi, còn chúng ta vẫn cần một đơn vị đủ tâm, tầm, lực để đảm nhiệm cuộc chơi, giống như Việt Nam thời gian gần đây làm rất tốt xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực khác", BLV Quang Huy kết luận. 

Theo HỒNG NAM (VTC NEWS)