Bộ Công an thông tin về hành vi môi giới việc làm qua internet để lừa đảo

08/07/2022 - 14:00

Bộ Công an cho biết, hành vi sử dụng internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, quy định tại điều 290 Bộ luật Hình sự.

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu việc làm của nhiều người dân tăng cao. Từ đó có nhiều đối tượng lợi dụng tình hình trên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Trên thực tế, có không ít nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo qua internet bằng cách môi giới việc làm. 

Chị L. (quê TP.HCM) vừa tốt nghiệp một trường đại học, trong thời gian chờ đơn vị tuyển dụng phản hồi hồ sơ, chị nhận được lời mời vào làm việc tại một công ty có trụ sở ở nước ngoài. Công ty này cho rằng chỉ tuyển nhân viên tại Việt Nam làm online. 

Sau khi trao đổi qua internet, chị L. nhận được một tài khoản để đăng nhập vào để phỏng vấn qua mạng. Lệ phí chị phải đóng là 500.000 đồng để trở thành thành viên. Tin lời, chị nhanh chóng hoàn tất đóng số tiền nêu trên. Ngay sau đó, phía "tuyển dụng" đưa ra yêu cầu chị đóng thêm 1 triệu đồng để có cơ hội hưởng cổ tức lên đến 100 triệu đồng. 

Nghi ngờ về hình thức tuyển dụng nêu trên, chị L. sau khi xác minh nhận ra bản thân sập bẫy lừa đảo. Chị chấp nhận mất đi số tiền 500.000 đồng đã đóng. 

Ngoài chị L. nhiều nạn nhân cũng sập bẫy lừa đảo với các hình thức tinh vi hơn khi đối tượng lừa đảo dùng nhiều cách để dẫn dắt "con mồi" có niềm tin vào một công việc thu nhập cao, môi trường công việc tốt. 

Với nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng lừa đảo thông qua môi giới việc làm qua internet đã lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng của người dân.  

Công an xác minh thông tin lừa đảo qua mạng. Ảnh: Công an nhân dân 

Trước thực trạng trên, Bộ Công an khẳng định, hành vi sử dụng mạng internet để môi giới việc làm nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ Công an, thời gian qua, Cơ quan Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều những vụ việc liên quan đến hành vi này.

Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lòng tham, ham muốn kiếm tiền một cách dễ dàng hay tâm lý e ngại đối với việc liên quan đến vi phạm pháp luật để hù dọa người dân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước các lời mời gọi việc nhẹ lương cao, chiết khấu hoa hồng cao, mời tham gia các kênh đầu tư lợi nhuận lớn hơn 20% một năm. Đồng thời hết sức cảnh giác đối với các cuộc gọi, thông báo từ người tự xưng là người trong cơ quan pháp luật.

Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

"Nếu nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật thì phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin. Cơ quan Công an không đưa ra các yêu cầu qua điện thoại mà sẽ có văn bản, quyết định gửi đến công dân trong trường hợp công dân có liên quan đến vụ việc cần giải quyết", Bộ Công an thông tin. 

Theo ĐỨC PHONG (Vietnamnet)