Đây là thông tin được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá về đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018 diễn ra sáng 10-7 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chủ trì.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sắp tới trình lên Ủy ban TVQH họp dự kiến tăng kịch trần thêm 1.000 đồng/lít xăng (hiện đang là 3.000 đồng/lít), Bộ Công Thương mong muốn chưa tăng thuế này và nếu bắt buộc tăng thì cần có lộ trình cụ thể.
“Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng”, Thứ trưởng cho hay.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát. Kỳ điều hành trước liền kề (22-6), Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã chi sử dụng ở mức 870 đồng/lít xăng E5 RON92; 198 đồng/lít xăng RON95. Đến kỳ điều hành lần này (7-7), Quỹ Bình ổn đã chi sử dụng ở mức 922 đồng/lít cho xăng E5 RON92, 161 đồng/lít cho xăng RON95.
“Hiện Quỹ bình ổn còn dư khoảng hơn 3.700 tỷ đồng nhưng nếu chi thêm 1.000 đồng/lít xăng nữa thì quá cao và Quỹ không có khả năng duy trì”, Thứ trưởng cho hay.
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học.
Trước đó, hồi đầu năm, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng lên 4.000 đồng. Còn dầu diesel, tăng thêm 500 đồng thuế. Còn lại, dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay. Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thuế xăng dầu mới có thể áp dụng từ tháng 10 tới.
Một trong những lý do đề xuất tăng kịch khung với thuế bảo vệ môi trường, theo Bộ Tài chính, là "thuế nhập khẩu giảm mạnh", đồng thời giúp tăng thu gần 15.700 tỷ đồng mỗi năm.
Thuế nhập khẩu với xăng hiện áp dụng là 20% và với các loại dầu là 7%. Tuy nhiên, với các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, mức thuế ưu đãi sẽ về 10% với xăng và 0% với dầu. Theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ nhập khẩu xăng dầu đang liên tục giảm qua các năm khi một số nhà nhập khẩu chuyển sang nhập từ các thị trường có mức thuế ưu đãi.
Theo PHAN TRANG (Báo Chính Phủ)