Bộ GD-ĐT phải quyết liệt và tổ chức lại hệ thống của mình

27/07/2018 - 08:33

4 năm đổi mới thi cử, Bộ GD-ĐT nhận được lời “khen” là kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm áp lực thi cử cho học sinh. Tuy nhiên, bộ cũng bị “chê” nhiều do cách làm thiếu giải pháp chiến lược dài hơi, chỉ mang tính chắp vá nên năm nào cũng có vấn đề.

Dưới cái nhìn của người trong cuộc, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập cũng như góp ý cho Bộ GD-ĐT.

Các thí sinh kỳ thi THPT 2018 tại điểm thi trường Nguyễn An Ninh (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

PHÓNG VIÊN: Sau 4 năm thi “2 chung” với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển đại học (ĐH), cho đến nay, theo ông chúng ta được gì và mất gì?

TS HOÀNG NGỌC VINH: Qua báo cáo của Bộ GD-ĐT và sự đánh giá của người đứng đầu Chính phủ có thể thấy 4 năm qua việc tổ chức thi được cải thiện từng bước. Nếu như năm đầu 2015 xã hội náo loạn về việc tra cứu điểm thi và chạy đua nguyện vọng như chơi chứng khoán, thì đến nay công tác này đã có những tiến bộ. Kỳ thi diễn ra khá an toàn, nghiêm túc ở khâu coi thi.

Nhiều người cho rằng kỳ thi tổ chức gọn nhẹ, đỡ cồng kềnh, bớt tốn kém. Để khách quan hơn thì lẽ ra cần có nghiên cứu so sánh chi phí trên đầu một thí sinh tham gia thi, có đánh giá nghiêm túc kết quả học lực của những thí sinh vào học ĐH theo chính sách thi tạm gọi là “2 chung”, như vậy bức tranh về mặt được hay chưa được sẽ sáng hơn. Việc hàng ngàn sinh viên bị cho thôi học ở năm thứ nhất, thứ 2 và thứ 3 trong một số trường ĐH phần nào phản ánh độ thiếu tin cậy của việc thi “2 chung” và việc đo lường năng lực đầu vào chưa chuẩn xác. 

Vụ việc ở Hà Giang năm nay và những cơn mưa điểm 10 năm 2017 cho thấy, chúng ta có lỗ hổng lớn trong cả chính sách và kỹ thuật tổ chức thi trắc nghiệm. Và việc làm mất lòng tin của xã hội vào sự công bằng là cái mất lớn nhất; ngành giáo dục bị mang tiếng nhiều nhất mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới.

Hầu như năm nào không ở khâu thi thì khâu xét tuyển cũng có vấn đề. Vậy đây có phải là do cách làm của chúng ta chưa ổn?

Nguyên nhân ở đây theo tôi là chúng ta có phần chủ quan và hơi quan liêu trong cách làm. Nguồn nguyên liệu vô cùng quý giá cho các nhà làm chính sách là kết quả thi trắc nghiệm lại chưa được đưa vào phân tích tới nơi tới chốn. Cứ thi xong chưa có kiện cáo gì coi như là xong. Mục đích và ý nghĩa của kỳ thi “2 chung” không phải chỉ để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH mà còn mang ý nghĩa xem xét lại việc dạy, việc học ở nhà trường, giữa các vùng miền khác nhau và đưa ra những số liệu giúp cho công tác quy hoạch phát triển giáo dục cũng như phân luồng học sinh.

Ngoài ra, chất lượng của việc ra đề thi, chất lượng coi thi và chấm thi đều có thể phát hiện ra những lỗ hổng ở mỗi công đoạn này. Đáng tiếc là chúng ta không làm triệt để, đồng bộ vì thế cải tiến ở khâu này thì lại bị xì ra ở khâu khác. 

Bộ cam kết vẫn giữ kỳ thi “2 trong 1” đến năm 2020. Vậy ông có góp ý gì để kỳ thi tốt hơn?

Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW, không phải chỉ đối với ngành giáo dục mà các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt tích cực và thấy được những bất hợp lý thì đề nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh chính sách làm sao để cho người dân tin tưởng thực sự vào chất lượng và sự công bằng của việc thi cử. Để bớt được “sạn” thì cần hoàn thiện quy trình kỹ thuật ra đề thi trắc nghiệm, tổ chức chấm thi. Nên giao cho trường ĐH chủ trì chấm theo cụm, hoặc theo một số trung tâm do Bộ GD-ĐT thành lập tạm thời, như các chuyên gia khuyến cáo. Cần xử lý nặng những ai vi phạm quy chế thi như làm sai lệch kết quả thi của thí sinh. Ngoài ra, phải có đánh giá xu hướng lạm phát điểm học lực của học sinh THPT trong 4 năm qua để điều chỉnh chính sách. 

Về lâu dài, chúng ta có nên giao việc xét tốt nghiệp THPT về địa phương; các trường ĐH tự tổ chức tuyển sinh, đồng thời Bộ GD-ĐT dồn sức xây dựng ngân hàng đề thi?

Phải tính tới quy mô dân số của ta sẽ đến 100 triệu người trong tương lai gần và phải tách bạch quản lý hành chính về giáo dục với dịch vụ khảo thí. Bởi vì trong bối cảnh phân cấp, Bộ GD-ĐT còn vô số các nhiệm vụ cấp bách cho đổi mới căn bản toàn diện, mà còn “ôm” việc thi cử mãi thế này thì rất khó cho đổi mới giáo dục nước nhà, trong khi đó vai trò chủ động của địa phương lại mất đi. Vì thế, sớm nghiên cứu thành lập đơn vị dịch vụ công chuyên cung cấp dịch vụ về đánh giá, biên soạn đề thi chuẩn, để cho các địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp.

Trường ĐH khi đó có thể lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT ở địa phương nào đó, hoặc tự chủ việc tổ chức thi tuyển. Khi đó, Bộ GD-ĐT rảnh tay đổi mới và tập trung vào việc kiểm soát chất lượng đào tạo bằng cách thanh tra chuyên môn thuộc ngành đào tạo, xử lý những cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Nếu quyết tâm, liệu chúng ta có làm được ngân hàng đề thi hay không? 

Ngân hàng đề thi đòi hỏi 3 thứ: Con người thiết kế test chuyên nghiệp; thời gian đủ lớn để còn thử nghiệm và điều chỉnh; tài chính. Nếu muốn làm, Bộ GD - ĐT phải quyết liệt và tổ chức lại hệ thống, như thành lập một công ty nhà nước về dịch vụ khảo thí chẳng hạn. Bộ GD-ĐT không nên ôm mà nên tách bạch quản lý nhà nước ra khỏi dịch vụ công.

Theo SGGP