Nhà thầu thi công thảm lớp bê tông nhựa bề mặt trên cùng của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, thi công 3 ca, 4 kíp để đưa vào khai thác tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,4km), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 100,8km) và Phan Thiết-Dầu Giây (dài 99km) trước ngày 30/4 tới đây.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết các đơn vị nhà thầu của 3 dự án cao tốc nêu trên đang khẩn trương hoàn thiện nốt hạng mục như thảm nhựa mặt đường, lắp dải phân cách, tôn lượn sóng, lưới chống chói, biển báo, sơn kẻ đường, hoàn thiện phần lề, mái taluy… nhằm đưa công trình về đích đúng hạn.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xử lý các chậm trễ trong thi công, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ 6 dự án thành phần còn lại (Đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2) trong năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng 579/721,2km (đạt 80,2%).
14 địa phương là cơ quan chủ quản (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu) 3 cao tốc trục ngang (cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh) đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án đền bù. Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang đã tiến hành chi trả, bàn giao mặt bằng.
Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận dù các địa phương đã nỗ lực thực hiện, bàn giao đáp ứng tiến độ nhưng mặt bằng bàn giao còn chưa liên tục, vẫn vướng một số vị trí tiếp cận thi công, ảnh hưởng đến thi công.
Ngoài ra, một số công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng ảnh hưởng đến khai thác đường cao tốc cần phải hỗ trợ di dời, tuy nhiên các quy định pháp luật, các hướng dẫn chưa có gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện.
“Với các dự án khởi công trước ngày 30/6/2023, công tác giải phóng mặt bằng đang được tích cực triển khai, tuy nhiên nếu không đẩy nhanh việc phê duyệt phương án đền bù, xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ không đáp ứng tiến độ,” phía Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công 25 gói thầu thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, hoàn thành công tác huy động nhân sự, máy móc, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng đường công vụ, phối hợp chính quyền địa phương giải quyết thủ tục mỏ vật liệu, bãi đổ thải…; tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng theo tiến độ triển khai dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện phân bổ, điều phối.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Chính phủ cho phép 12 tỉnh, thành phố có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua thực hiện ngay việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên (kể cả phần diện tích tăng thêm, phần diện tích sai khác vị trí), đáp ứng tiến độ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2023, báo cáo số liệu để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023./.
Theo VIỆT HÙNG (Vietnam+)