Anh Nguyễn Tấn Thủ về quê Thoại Sơn nuôi ốc bươu xanh
Đó là câu chuyện của những bạn trẻ 8X, 9X bao năm rời xa làng quê đến các thành phố lớn để học tập, tìm kiếm việc làm và gắn bó nhiều năm sau đó với cuộc sống nơi chốn đô thị phồn hoa. Với họ, những năm tháng tuổi trẻ này thật đáng quý vì họ đã kịp học hỏi được kiến thức, lối sống sinh hoạt ở đô thị, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng trong đời sống lao động và sản xuất. Từ đó, họ có cái nhìn tổng thể hơn về đời sống đô thị lẫn nông thôn, để rồi dần xác định được thế mạnh của địa phương nơi mình sinh ra và quyết tâm mang những điều học được để về áp dụng ngay tại quê nhà.
Sau vài năm gắn bó với TP. Long Xuyên bằng một số công việc và niềm vui đi đó đây chụp ảnh nghệ thuật, chị Dương Thị Cẩm Vân đã xác định tại sao mình không quay trở về quê nhà núi Cấm (Tịnh Biên) làm gì đó để có thu nhập ổn định hơn, mà vẫn thỏa mãn được niềm đam mê chụp ảnh của mình. Thế là, chị Vân quyết tâm trở về chính ngôi nhà ba mẹ đang sinh sống và mở dịch vụ homestay “Nhà của mây” nghỉ đêm trên núi Cấm.
Chị Vân chia sẻ: “Mình đi đó đây rồi chợt nhận ra quê mình nên thơ nhất, có phong cảnh núi non hữu tình, có không khí mát mẻ, món ăn ngon thì tại sao không thể níu chân du khách. Ban đầu chỉ từ một cái chòi tre nứa mình cất để có chỗ chụp hình, có góc đẹp để chơi ảnh vậy mà bạn bè rất thích, từ đó mình nảy sinh ý tưởng làm dịch vụ homestay để phục vụ khách muốn tìm bình yên, khung ảnh đẹp giữa núi rừng đại ngàn”.
Thanh Nam (phải) giới thiệu với bạn bè món cóc sấy dẻo
Đó còn là câu chuyện của bạn Hồ Thanh Nam (quê ấp Hòa Phú, xã Định Thành, Thoại Sơn), chàng trai thuộc thế hệ 9X đã mạnh dạn từ bỏ công việc ổn định tại trung tâm huyện và quyết định về quê phát triển gần 2ha đất ruộng thành vườn mãng cầu xiêm xen canh cóc Thái.
Nam chia sẻ: “Qua nhiều nghề, tôi mới học được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là cách làm ăn, tinh thần dấn thân chuyên sâu vào các ngành nghề của những người đi trước. Xác định đã trở thành nông dân, tôi nhất định phải sống được trên quê hương mình, mang những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho công việc của nhà nông. Bước đầu, tôi đang học tập và làm thử sản phẩm trà mảng cầu xiêm và cóc sấy dẻo. Dẫu còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng với niềm tin và sức trẻ tôi nghĩ mình có thể làm được”.
Cô gái trẻ Srey Lan Sine thuộc thế hệ 9X (quê ấp An Lợi, xã Châu Lăng, Tri Tôn) sau nhiều năm bôn ba ở Sài Gòn và Campuchia cũng chợt nhận ra mình cần phải mang những điều học được góp phần phục vụ quê hương. Thích thú với món đu đủ đâm từ những lần bạn bè rủ đi ăn trên nước bạn, Sine bắt đầu học hỏi và tập làm thử, đến khi có cơ hội trở về quê cô gái đã mở một hàng ăn chuyên phục vụ khách món đu đủ đâm và bánh dứa. Với cách bán hàng trực tiếp và trực tuyến (online), cô gái đã tạo dựng cho mình công việc ổn định với mức thu nhập kha khá tại quê nhà.
Srey Lan Sine sáng tạo món đu đủ đâm kiểu Thái - Campuchia
Đó còn là câu chuyện của rất nhiều bạn bè hiện nay, với bao tâm tư trở về quê nhà gắn bó với công việc nhà nông như: trồng rau sạch, lúa sạch, trồng vườn với nhiều loại rau củ, cây trái với giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, tham gia vào các chuỗi phân phối nông sản, kinh doanh sản phẩm phục vụ làng nghề, như: nghề mộc, cung cấp thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, làm dịch vụ giải trí, hồ bơi cho trẻ em…
Trở về nghĩa là họ phải từ bỏ cuộc sống ổn định và bắt đầu dấn thân lập nghiệp, cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn khởi nghiệp, lời dèm pha của dư luận, sự thiếu niềm tin từ gia đình, tốn nhiều thời gian hơn để xây dựng mô hình và các mối quan hệ, đối tác trong công việc nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ngán ngại và chùn bước. Trong mọi gian khó, điều làm nên sức mạnh tự thân của người trẻ là họ luôn mang trong mình ý thức trưởng thành từ gian khó, họ sinh ra từ làng thì cần phải làm gì đó giúp ích cho làng quê mình càng trở nên tốt đẹp hơn.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG