Bộ sưu tập gốm cổ của chàng trai 9X

15/03/2018 - 01:16

 - “Chơi” đồ cổ đã được nhiều người biết đến, song thú vui tao nhã này lại khá kén người chơi. Vậy mà, chàng trai Lương Văn Anh Lộc (sinh năm 1992, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) lại có hẳn 1 bộ sưu tập đồ cổ khi chỉ mới 2 năm tìm tòi, học hỏi với niềm đam mê “khó cưỡng” dành cho những món đồ cổ bình dị, dân dã nhưng cũng rất độc đáo.

Lộc chỉ dám thể hiện niềm đam mê với gốm cổ bằng cách tìm mua và đặt ở phòng riêng để lặng lẽ thưởng thức, chứ chưa dám khoe với ai. Nói về bản thân, chàng trai 9X có vẻ “ngại ngùng” nhưng khi hỏi về đồ cổ lại “thao thao” bất tuyệt. Với Lộc, những ngày đầu đến với đồ cổ đã gặp phải không ít khó khăn và trở ngại, nhất là sự phản đối từ ba mẹ. Vì theo họ, không phải ai chơi cũng được, đặc biệt là khá tốn kém, không có kinh nghiệm là tiền mất mà đồ cổ chẳng thấy đâu. Bất chấp tất cả, Lộc vẫn “nuôi dưỡng” niềm đam mê bằng nhiều cách, từ lên mạng tìm hiểu các loại đồ gốm, lịch sử hình thành đến khả năng lưu truyền, rồi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và qua nhiều lần “nhìn gà tưởng phượng”, Lộc đã sưu tầm được khá nhiều đồ gốm làm đẹp thêm cho gian phòng nhỏ.

“Gốm tôi chơi là gốm Lái Thiêu, có niên đại khoảng 100 năm trở lại đây. Nó đến một cách tự nhiên khiến tôi không lý giải được vì sao mình lại “mê” gốm cổ đến như vậy. Đa phần, những món đồ gốm đang sở hữu đều được tôi “truy lùng” và mua qua mạng. Những lần đầu chưa có kinh nghiệm, tôi đã mua lầm. Không nản, tôi rút kinh nghiệm, trước khi mua hàng là hỏi ý kiến, trao đổi với các bậc “tiền bối”. Nghe họ tư vấn các thứ, nào là niên đại, loại men, màu sắc... rồi mới quyết định mua. Ba mẹ rất phản đối nhưng thấy tôi mê quá nên đành nhượng bộ đôi chút. Tất cả những món đồ gốm hiện nay đều được mua từ tiền để dành, có món vài trăm ngàn nhưng cũng có món vài triệu đồng” - Lộc tâm sự.

Khoe “gia tài cổ” của mình, chàng trai trẻ không giấu được niềm vui, miệng không ngừng lý giải: “Điểm phân biệt cơ bản nhất với gốm cổ là màu men và hoa văn in trên sản phẩm. Màu càng mới, hoa văn càng tinh xảo thì 99% không phải gốm cổ. Nhưng để phân biệt chính xác thì cần phải học hỏi, chỉ có những người dày dặn kinh nghiệm, tinh thông các loại gốm xưa và nay mới hiểu hết”. Trong căn phòng không rộng, nhưng góc để đồ cổ của Lộc lại rất ngăn nắp, gọn gàng. lâu lắm thì cũng vài hôm là Lộc lấy khăn lau bụi từng món đồ một cách kỹ lưỡng. Tuy là gốm cổ nhưng tất cả đều thuộc dạng thông dụng, dễ tìm như: chén, dĩa, bình hoa, vại, hũ... nên Lộc lúc nào cũng khiêm tốn bảo rằng chỉ sưu tầm cho thỏa đam mê. Thế nhưng ở Lộc là niềm đam mê dành cho những giá trị xưa khi mà tuổi đời còn khá trẻ. Bởi lẽ, chàng trai 9X này có thể trích ra hơn nửa tháng lương chỉ để mua về món đồ gốm mình thích khi đã xác định được giá trị thật của chúng.

Lộc có thể ngồi giải thích rành mạch với chúng tôi thế nào là gốm Lái Thiêu, về xuất xứ và nguồn gốc. Chẳng hạn gốm sứ Lái Thiêu ra đời khoảng giữa thế kỷ 19, có nhiều trường phái như trường phái Triều Châu sử dụng men xanh trắng chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng như: chén, đĩa, tô và các loại bình trà, bình rượu. Chỉ tay vào những bộ tách trà, Lộc bảo thỉnh thoảng mang ra pha trà nhâm nhi! Còn bình hoa, dịp Tết vừa rồi tôi mang vài cái ra cắm hoa. Ba mẹ rất thích, không còn phản đối. “Kệ, ai cười mình là “ông cụ non” mình chịu. Mỗi khi đi làm về, ngả lưng trên chiếc giường nhỏ, nhìn qua gian gốm thì bao mệt mỏi tan biến. Một cảm giác bình yên đến khó lý giải bằng lời” - Lộc chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN