Bộ sưu tập hình tượng rồng qua các triều đại phong kiến
16/02/2024 - 09:00
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã trưng bày hàng trăm cổ vật quý gắn liền với hình tượng rồng Việt qua các thời kỳ để người dân và du khách tham quan.
AA
Cổ vật quý gắn liền với hình tượng rồng Việt qua các thời kỳ được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Ông Trịnh Đình Dương - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết, rồng là biểu tượng văn hóa, sản phẩm tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên và xã hội.
Trong tâm thức của người Việt Nam, rồng là cội nguồn của dân tộc. Các cổ vật được trưng bày tại bảo tàng, hình tượng rồng được thể hiện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trang phục, đồ mỹ thuật cho đến các vật dụng sinh hoạt trong cung đình, tín ngưỡng tôn giáo.
Theo ông Dương, hình tượng rồng qua các thời kỳ có nét đặc trưng riêng. Đơn cử, rồng thời Nguyễn, bước sang thế kỷ XIX, nghệ thuật tạo hình rồng gần như bỏ hẳn loại đao mác mà chuyển thành dạng đao đuôi nhọn.
Ngoài đặc điểm thân mập kế thừa các thời kỳ trước, điểm khác của rồng thời Nguyễn là sự xuất hiện của hai chiếc đao mắt như râu cá trê mang dạng của chiếc lò xo, nhiều khi đuôi cuộn lại.
Giữa thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ thứ XX thì khúc đuôi của rồng thường duỗi, chỉ có lông đuôi xoắn lại, thân rồng có tỷ lệ nhỏ, mảnh mai, động tác bò dưới, chân cao, vây lưng lớn như đang cố tình tạo vẻ hung dữ.
Trong nghệ thuật cung đình, rồng đã trở lại vẻ uy nghi, biểu trưng cho sức mạnh vương quyền. Đặc điểm, hình thức của rồng cũng được quy định riêng cho vua, hoàng tộc, hoặc từng phẩm hàm quan lại khác nhau, trong đó dành cho vua luôn là rồng 5 móng.
Trong nghệ thuật dân gian, hình tượng rồng thời Nguyễn hiện lên vô cùng đa dạng như rồng bay trong mây, rồng ngậm chữ Thọ, rồng chầu mặt trời… đặc biệt hình tượng rồng cách điệu từ cây cỏ, hoa lá như trúc hóa rồng, lá hóa rồng, mai hóa rồng… cũng xuất hiện phổ biến và trở nên gần gũi.
Như rồng thời Lê sơ, nho giáo phát triển tới đỉnh cao và trở thành quốc giáo. Triều đình đã có những quy định chặt chẽ về điển lễ vương triều, rồng trở thành biểu tượng của đấng thiên tử (vua). Những thứ có vẽ rồng 5 móng tượng trưng cho nhà vua hoặc biểu tượng của vương quyền.
Trong nghệ thuật thời kỳ này, hình tượng rồng gần như biến đổi hẳn, những yếu tố truyền thống dần được thay thế bởi mẫu hình rồng từ phương Bắc với những quy định cụ thể như: mắt quỷ, mũi sư tử, thân rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng, vây lưng hình răng cưa sắc nhọn, thân cuốn nhiều khúc mạnh mẽ, dứt khoát… do đó hình thức rồng trở nên uy nghi, oai vệ và dữ tợn hơn, đặc điểm cấu trúc và xu hướng vận động của rồng cũng rất đa dạng.
Theo Vietnamnet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: