

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hội Nguyễn Minh Ngọc thăm hỏi, trò chuyện với vợ chồng ông Phan Hòa
Trên con đường bê-tông rộng rãi dẫn vào ấp Tân Lộc (xã Tân Hội), chúng tôi ghé thăm ông Phan Hòa (87 tuổi), cha của liệt sĩ Phan Văn Tài. Tiếp khách bằng nụ cười hiền hậu, bên bàn trà đặt nơi sân thoáng mát, ông Hòa kể về người con trai thứ ba đã anh dũng hy sinh khi tham gia nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia năm 1985.
Bà Hồ Thị Hữu, mẹ liệt sĩ Tài, chia sẻ: “Mỗi năm đến ngày 27/7, gia đình đều đến nghĩa trang thắp hương cho con và đồng đội. Con hy sinh khi chưa có vợ con, đau lòng lắm, nhưng tôi tự hào vì con sống đúng lý tưởng, dám hy sinh vì Tổ quốc”.



Những chuyến thăm làm ấm lòng gia đình chính sách
Ngồi bên cạnh, thương binh 2/4 Võ Văn Hùng xúc động kể lại: “Xóm kênh Cống Xã ngày ấy có 10 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quốc tế, 7 người hy sinh, 2 người thành thương binh, chỉ một người lành lặn trở về. Những mất mát ấy không gì bù đắp được, nhưng được Đảng, Nhà nước quan tâm, chúng tôi rất cảm động”.
Gia đình ông Phan Hòa được hỗ trợ xây nhà Tình nghĩa từ 20 năm trước. Lúc ấy, gia đình góp thêm kinh phí cất nhà rộng rãi, khai trang để con cháu về quây quần. “Căn nhà không chỉ là nơi che mưa nắng, mà còn là biểu tượng của sự tri ân. Biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, gia đình tôi luôn giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống cách mạng, sống tốt, góp phần xây dựng quê hương” - ông Hòa bày tỏ.

Thương binh Phan Hồng Tấn cảm thấy ấm lòng vì được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương
Ở ấp Tân Lợi (xã Tân Hội), thương binh Phan Hồng Tấn đón nhận thêm niềm vui khi căn nhà Tình nghĩa vừa được sửa chữa khang trang. Trước đây, ông được hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà Tình nghĩa, nay tiếp tục được hỗ trợ thêm 30 triệu đồng để sửa chữa. “Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhà sửa xong đẹp lắm, ấm áp lòng người” - ông Tấn vui vẻ nói.

Thương binh Phan Hồng Tấn dặn dò thế hế trẻ nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp
Ông Tấn từng là du kích xã, sau về Tiểu đoàn 519 thuộc Tỉnh đội Kiên Giang, cũng từng làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1980, trong một trận chiến ác liệt, ông bị thương nặng do trúng đạn của quân Pol-Pot. Sau thời gian điều trị, ông về địa phương, tiếp tục công tác ở huyện, xã. Khi lớn tuổi, ông làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp.
Vợ chồng ông Tấn còn được Nhà nước cấp 10 công đất ruộng sản xuất. “Vợ chồng tôi làm ruộng sống ổn định. Tôi chỉ mong thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, đó là điều khiến chúng tôi vui lòng nhất” - ông Tấn bày tỏ với Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hội Nguyễn Minh Ngọc.

Căn nhà Tình nghĩa không chỉ là mái ấm vật chất, mà còn là biểu tượng sống động của lòng tri ân
Theo đồng chí Nguyễn Minh Ngọc, toàn xã có hơn 1.000 người có công với cách mạng và gia đình chính sách, trong đó có 149 liệt sĩ, 21 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 32 thương binh, bệnh binh, cùng nhiều người từng bị địch bắt, tù đày hoặc bị nhiễm chất độc hóa học.
“Hàng năm, xã đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà Tình nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Đến nay, cơ bản các gia đình đều có nhà ở ổn định, đời sống được cải thiện” - đồng chí Ngọc cho biết.
Chia tay những gia đình liệt sĩ, thương binh, với lòng tri ân sâu sắc, chúng tôi càng hiểu rằng những căn nhà Tình nghĩa ở vùng quê Tân Hội không chỉ là mái ấm vật chất, mà còn là biểu tượng sống động của lòng tri ân. Từ nơi ấy, những câu chuyện về hy sinh, cống hiến và nghĩa tình vẫn lan tỏa, tiếp thêm niềm tin, động lực cho thế hệ hôm nay sống tốt, sống đẹp hơn.
Bài và ảnh: THU OANH