Sẽ có thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng trong giai đoạn tới
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; 6 ngày giãn cách tại TP. Hà Nội, cả nước phát hiện 74.434 ca COVID-19. Tính đến tối qua 29-7, đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam đã ghi nhận 125.561 người mắc COVID-19, trong đó có 124.635 bệnh nhân do lây nhiễm trong nước, 28.963 người đã khỏi bệnh, 828 ca tử vong.
“Chúng tôi nhận định, dịch đang ở giai đoạn tấn công. Đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm phẳng hoá đường cong của lây nhiễm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 sáng 30-7.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố phía Nam cần đặc biệt lưu ý tình trạng trở nặng của người bệnh diễn ra ở giai đoạn này. “Trong một thời gian ngắn nữa, sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng. Đây chính là đặc điểm dịch tễ của đợt dịch lần này”, ông nói.
Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch tới đây sẽ còn diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tăng nhanh. Do đó, các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao.
Phân tích từ tình hình thế giới, Bộ trưởng cho hay, một số quốc gia đã tiêm chủng vắc xin COVID-19 nhưng vẫn tăng số mắc. Bởi vậy, giải pháp các nước đang thực hiện là quay trở lại triển khai quyết liệt tất cả biện pháp chống dịch.
“Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị do đó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết với tất cả quốc gia. Các nước đều cảnh báo không thể chủ quan với biến thể Delta đang phá vỡ và đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch”, Bộ trưởng nói.
Từ điểm cầu TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 sáng 30/7 - Ảnh: Thái Bình
Cần nâng cảnh báo phòng dịch lên mức rất cao
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch như yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18h tối, song song đảm bảo lưu thông hàng hoá và an sinh, trật tự xã hội.
“Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý các địa phương, đặc biệt tỉnh thành có nhiều người mắc cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tuyệt đối không “chặt ngoài, lỏng trong”. Chỉ thực hiện nghiêm “chặt ngoài, chặt trong” mới có thể giảm được ca mới, nếu không sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Ông cũng đề nghị tất cả địa phương kiên định với mục tiêu giảm ca mắc, giảm tỷ lệ tử vong, mục tiêu về vắc xin cũng như chiến lược phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị hiệu quả. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn tiếp tục yêu cầu các quốc gia phải tăng cường xét nghiệm để sớm đưa ca mắc ra khỏi cộng đồng, kiểm soát lây nhiễm.
Về vắc xin, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 16 triệu liều vắc xin COVID-19, công khai phân bổ cho các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng tốc tiêm chủng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy ra. “Các tỉnh, thành phố phải luôn chuẩn bị tâm thế có thể thực hiện Chỉ thị 16 vào một thời điểm nào đó, sẵn sàng về công tác y tế, đảm bảo an sinh xã hội”, ông nói.
Ban Chỉ đạo Quốc gia cùng Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể về xây dựng kịch bản phòng chống dịch. Tuỳ vào tình hình trên địa bàn, mỗi địa phương cần đáp ứng kịch bản phù hợp, tránh lúng túng, bị động khi dịch bùng phát.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP.HCM - Ảnh: Trương Thanh Tùng
Bộ trưởng khẳng định, công tác điều trị là vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Bởi vậy, đề nghị Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung cao độ cho cơ sở vật chất phục vụ điều trị.
“Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tầng điều trị, các địa phương cần chủ động lên phương án chuẩn bị theo các tầng, đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất, bởi hiện vấn đề này đang là điểm yếu ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong chuẩn bị và thiết lập hệ thống hồi sức, cần chú trọng rà soát ngay hệ thống oxy, máy thở”, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Ông yêu cầu các địa phương quán triệt thực hiện việc tất cả bệnh viện hạng 1, bệnh viện đa khoa tỉnh bắt buộc có khu hồi sức tích cực và oxy trung tâm (quy mô từ 50 - 100 giường); bệnh viện tuyến quận, huyện cũng phải có oxy và oxy trung tâm. Đồng thời, chủ động làm việc ngay với nhà cung cấp oxy, rà soát toàn bộ trang thiết bị trên tinh thần “4 tại chỗ”.
Hiện Bộ Y tế đã huy động lực lượng tinh nhuệ thiết lập 5 trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM và thiết lập thêm trung tâm hồi sức tại Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang.
“Các tỉnh thành phố khác ở miền Trung, miền Bắc, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc cần chuẩn bị ngay nội dung này, không giữ tâm lý chủ quan, tránh bị động khi có dịch xảy ra trên địa bàn”, Bộ trưởng nói.
Theo VIETNAMNET