Bộ Y tế: Sử dụng vaccine đã nghiên cứu kỹ lưỡng để tiêm cho trẻ em

19/10/2021 - 14:58

Theo các chuyên gia, với biến chủng trước thì tỷ lệ người mắc COVID-19 trở nặng không nhiều, nhưng với Delta thì kể cả với trẻ em vẫn có tình trạng bệnh nặng dẫn đến tử vong.

Vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Y tế dự kiến cuối tháng Mười sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình tiêm trước cho tuổi từ 16-17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ từ 12-17 tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với biến chủng COVID-19 trước đây thì tỷ lệ trở nặng không nhiều nhưng với biến chủng Delta thì tuổi trẻ vẫn có tình trạng nặng và dẫn đến tử vong. Trong số các ca COVID-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay ngay từ khi những loại vaccine đầu tiên trên thế giới được phát minh, bên cạnh tiêm chủng vaccine cho người lớn thì các quốc gia đã bắt tay vào thử nghiệm tiêm chủng vaccine (kể cả chủng virus bất hoạt, hay MRA) trên đối tượng học đường (12-18 tuổi). Tới nay, đã có một số kết quả nghiên cứu.

Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, tỷ lệ trẻ nhiễm không cao, nhưng khả năng lây lan trong trường học, điều kiện sinh hoạt, học tập là hoàn toàn có thể xảy ra. Tỷ lệ trở nặng với chủng virus trước thường không trở nặng nhiều, tuy nhiên với biến chủng Delta một số người trẻ vẫn có tình trạng trở nặng, gây tử vong ở độ tuổi rất sớm.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã bắt tay vào chuẩn bị các vaccine cho trẻ em, ra công văn gửi các sở y tế các tỉnh, thành với công tác chuẩn bị tiêm ngừa vắc xin cho trẻ em.

Trước câu hỏi các loại vaccine nào sẽ được chọn để tiêm ngừa cho trẻ em Việt Nam? Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay hiện Bộ Y tế chưa quyết định lựa chọn vaccine nào nhưng sẽ sử dụng những vaccine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tham khảo tất cả các nghiên cứu trên thế giới để áp dụng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các loại vaccine áp dụng cho trẻ em tại Việt Nam.

Giáo sư Đặng Đức Anh-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện nay có 2 loại vaccine có thể tiêm cho trẻ em gồm: Vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi, sau đó có thể tiêm cho lứa tuổi trẻ nhỏ hơn. Vaccine thứ hai là Sinopharm theo khuyến cáo của nhà sản xuất có thể tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Hiện ngành y tế đang có những hướng dẫn hoặc kế hoạch để triển khai chiến dịch tiêm cho trẻ em trong thời gian sớm nhất.

Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay WHO khuyến cáo cho đến nay trẻ em mắc các bệnh mãn tính nặng có thể được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm được ưu tiên nếu có đủ nguồn cung. Các thử nghiệm vaccine cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật các khuyến nghị khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ học đầy đủ đảm bảo cho sự thay đổi trong chính sách.

Để trẻ được tiêm vaccine COVID-19, cha mẹ phải ký phiếu đồng ý tiêm nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này. Trẻ em cần thực hiện khám sàng lọc trước tiêm. Các tỉnh sẽ tổ chức tiêm tại cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (nếu tổ chức học tập trung tại trường)./.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện trên toàn quốc có hơn 20.000 trẻ dưới 15 tuổi mắc COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, chưa kể những trẻ không có triệu chứng, hoặc bệnh nhẹ chỉ theo dõi chăm sóc tại nhà.

So với những đợt dịch trước, trong đợt dịch lần thứ 4 này số trẻ em mắc COVID-19 tăng gấp nhiều lần và đã có trường hợp tử vong. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo T.G (Vietnamplus)

 

Liên kết hữu ích