Bồi đắp tình yêu và năng lực tiếng Việt cho học sinh

15/11/2020 - 09:02

PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình tiếng Việt và Ngữ văn 2018, cho rằng vai trò đọc - viết trong môn ngữ văn rất quan trọng đối với giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách học sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng học sinh "lười" đọc, viết sai chính tả, ngữ pháp ở mức báo động.

Văn mẫu làm "tê liệt" tư duy học sinh

Tại hội thảo "Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm tiếng Việt trong sáng hơn" vừa được tổ chức tại TP HCM, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống nêu thực trạng khả năng viết của học sinh là đi chép lại từ văn mẫu, chép lại từ lời giảng thầy cô, tài liệu có sẵn, rồi học thuộc lòng. Điều này, một phần lỗi do giáo viên, một phần do cách kiểm tra đánh giá không thay đổi, đề thi cũ.

PGS-TS Đỗ Ngọc Thống đưa ra ví dụ, cả lớp 40 em tả con mèo đều có bài viết giống nhau. Hay, thầy cô ra đề bài tập làm văn tả về mẹ, nhưng mẹ em học sinh đó đã mất vì ung thư khi em còn nhỏ, như vậy làm sao em tả được?

"Bài tập làm văn nên để các em phát huy, trình bày suy nghĩ, đừng đưa các em vào tình trạng tổn thương. Giáo viên nên đưa những loại đề rộng mở, để học sinh viết ra từ trong sâu thẳm trí tuệ, tâm hồn mình" - ông Thống nói.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11- TP HCM trong giờ học tiếng Việt Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Thống cho biết dạy viết là dạy học sinh biết suy nghĩ, biết tư duy một cách độc lập, không a dua. Nhưng viết mà không chịu nghĩ, không biết nghĩ thì làm sao đào tạo ra được con người có tư duy độc lập, biết phán xét và bảo vệ ý kiến đúng. Những hạn chế của dạy viết trong nhà trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục tư duy, suy nghĩ, tình cảm và nhân cách cho học sinh.

Ông Thống cho rằng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh trong môn ngữ văn một cách hiệu quả nhất chính là dạy đọc, viết, nói, nghe đúng hướng. Trong chương trình môn ngữ văn 2018 hướng đến mục tiêu giáo dục phẩm chất và hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Không "trói buộc" giáo viên phải dạy, kiểm tra đánh giá theo khuôn mẫu.

Tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt nhân văn

TS Huỳnh Công Minh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hệ thống Trường EMASI, nhận định môn ngữ văn giữ vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng đối phó thi cử.

"Trong vấn đề này, giáo viên đóng vai trò là người dẫn dắt học sinh thay đổi tư tưởng, làm cho thế hệ trẻ, học sinh đạt được những yêu cầu cơ bản. Từ đó, làm cơ sở phát triển vững chắc ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ như: phát âm chuẩn, viết đúng, nói đủ câu, nghe đủ ý, đọc cảm thụ, diễn đạt đúng câu từ và rõ ý. Có những phương pháp dạy học linh hoạt, để học sinh cảm nhận được giá trị của môn học" - ông Minh nhận định.

PGS-TS Nguyễn Thành Thi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM, cho rằng giáo viên cần tạo môi trường giao tiếp trong và ngoài nhà trường, sử dụng ngôn ngữ sư phạm chuẩn mực, đáp ứng mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thông qua việc truyền thụ kiến thức và phương pháp tư duy trong các môn học, giáo viên cần tạo cơ hội cho học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt trong các hoạt động giao tiếp, bồi dưỡng tình yêu và năng lực tiếng Việt cho học sinh.

PGS-TS Đỗ Ngọc Thống cho hay đích cuối cùng của việc học ngữ văn là học sinh biết sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả. Nhưng chất lượng và hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà trước hết là năng lực của đội ngũ giáo viên dạy ngữ văn. Không có họ, dù chương trình và sách ngữ văn có hay đến mấy cũng không thể tạo ra được chất lượng.

Đồng quan điểm, PGS-TS Bùi Thanh Truyền - Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm, ĐHQG TP HCM, cho rằng để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, trau dồi năng lực, đạo đức, lối sống của học sinh, phải có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của giáo viên và nhà trường. Qua đó, xây dựng cho học sinh một môi trường giao tiếp tiếng Việt nhân văn, tiến bộ. 

Phương ngữ làm vốn từ phong phú hơn

Tranh cãi về nội dung sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có nhiều từ địa phương, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng đưa phương ngữ có tính chất quá riêng, quá vùng miền vào dạy học sinh lớp 1 là không phù hợp. Nhưng nhất định phải dạy phương ngữ cho học sinh, vì nó đã nằm trong văn bản văn học của các nhà văn; nên dạy theo từng cấp học, theo lộ trình. Đối với học sinh tiểu học chỉ nên dạy những từ phương ngữ phổ biến sau đó sẽ đưa những từ khó hơn vào các cấp học tiếp theo. Như vậy, học sinh sẽ có vốn ngôn ngữ phong phú, làm rõ vẻ đẹp của tiếng Việt.

Theo THƯ NGUYỄN (Người lao động)