Bolero, thời thượng hay trào lưu cũ hồi sinh?

02/05/2018 - 14:10

Như một trào lưu đang thịnh và gần như là mode của thị trường âm nhạc Việt khoảng vài năm gần đây, Bolero, một thể loại nhạc được mệnh danh là “sến”, “nhạc vàng” của một thời bỗng dưng trỗi dậy, phát triển, lan từ sân khấu phòng trà đến các gameshow truyền hình, các cuộc thi hát dành riêng cho Bolero và lấn sang cả sân khấu nhạc kịch phong cách Broadway. Thời thượng hay trào lưu cũ hồi sinh?

Ca sĩ Hà Vân

Có thể nói năm ngoái đánh dấu bước chuyển của Bolero, lấn sang “lãnh địa” có đẳng cấp và kén chọn khán giả nhưng lại gặt hái sự thành công ngoài mong đợi. Khi “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, vở nhạc kịch thuần Việt đầu tiên kể một câu chuyện cổ tích Việt theo phong cách nhạc kịch Broadway làm sống dậy các ca khúc Bolero của một thời trên sân khấu TP Hồ Chí Minh, khi gameshow truyền hình có tên “Kịch cùng Bolero” của một tỉnh miền Tây Nam Bộ mang Bolero vào vở nhạc kịch “Tình đời” phỏng theo tiểu thuyết “Trà hoa nữ” của Pháp, “Hồn bướm mơ hoang”… đã tạo dấu ấn đặc biệt với khán giả, cũng như khi tại Thủ đô Hà Nội trong 3 đêm liền “cháy vé” chương trình nhạc Bolero “Lam Phương - Cho em quên tuổi ngọc” trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ.

Bolero phủ sóng

Thể loại nhạc Bolero được xem là dòng nhạc trữ tình của châu Âu - châu Mỹ Latinh du nhập vào Việt Nam cách đây gần 70 năm và chủ yếu ở miền Nam. Sau năm 1975, có thời gian nó gần như bị lãng quên, chỉ lác đác xuất hiện ở một số ca khúc của vài nhạc sĩ sáng tác thể loại này trước đó và được biểu diễn trong các phòng trà, café nhạc, hay vài show hát dạo của các ca sĩ không chuyên ở lục tỉnh Nam Bộ... Bẵng đi vài chục năm im hơi lặng tiếng thì những năm trở lại đây, Bolero hồi sinh và có “sức sống” cũng như sự lan tỏa đến chóng mặt, gây khá nhiều bất ngờ không chỉ với giới VBiz, mà còn cả với giới âm nhạc hàn lâm. Vào phòng trà cafe nhạc nào cũng có ít nhất một tiết mục Bolero, mở tivi hằng đêm cũng ít nhất một gameshow có giai điệu Bolero trình diễn, show ca nhạc lớn cũng có ít nhất một ca sĩ hát Bolero, chưa kể các phòng karaoke, các quán café đường phố, rồi người hát rong… Cảm giác như Bolero đang “thống trị” sinh hoạt âm nhạc trong đời sống cộng đồng.

Đêm nhạc Lam Phương của Nhà hát Tuổi Trẻ, nhiều ca sĩ đã thành công với nhiều tình khúc bolero

Đã có nhiều chương trình gamehow truyền hình, thi ca nhạc về Bolero được phát sóng trên nhiều kênh, kể cả kênh truyền hình quốc gia VTV: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Khán giả với Bolero, Người hát tình ca, Hãy nghe tôi hát, Nhạc hội song ca… Ngay cả với format phiên bản Việt cũng biến tấu thành Bolero như “Thần tượng Bolero” từ Nation’s best voice của Time Symphony (Anh)… Bolero còn phủ sóng cả ở những gameshow khác của truyền hình, nhiều thí sinh, ca sĩ chọn dòng nhạc Bolero thể hiện bài thi như trong: “Nhân tố bí ẩn”, “Giọng hát Việt nhí”, “Sol vàng”, “Tình khúc vượt thời gian”... Riêng năm 2017, sóng truyền hình còn liên tiếp lên ba chương trình mà chủ yếu với dòng nhạc Bolero: “Dạ khúc tình yêu”; “Chân dung cuộc tình”, “Kịch cùng Bolero”.

Ngay cả giới diễn viên điện ảnh, sân khấu cũng trở thành “gương mặt Bolero” như Quý Bình trở thành “Quý ông Bolero”, Minh Luân, sau khi phim đóng máy làm hậu kỳ thì tiếp show đi hát Bolero ở các tỉnh, tới ca sĩ “sao” hát nhạc dance Hồ Quỳnh Hương cũng chuyển “tone” hát nhạc Bolero… Các danh hài chuyên nghiệp như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Thúy Nga… lấy Bolero như cầu nối giao lưu, tung hứng với khán giả trong các gameshow truyền hình. Chưa kể sự trở về của hàng loạt ca sĩ Việt hải ngoại đã từng nổi tiếng với dòng nhạc Bolero trước năm 1975 như: Phương Dung, Giao Linh, Lệ Thu, Họa Mi, Phi Nhung, Trường Vũ, Thanh Hà, Quang Lê, Chế Linh, Khánh Ly, Hương Lan, Như Quỳnh, Duy Quang, Tuấn Ngọc... Thị trường VPop, ngoài các trào lưu nhạc trẻ thế giới, nhạc Việt hiện tại hình như đang thuộc về dòng nhạc Bolero.

Các ca sĩ, nghệ sĩ đua nhau hát bolero (NSƯT Thanh Ngoan và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong chương trình Ấm áp tình nghệ sĩ 2017)

Thời thượng hay trào lưu cũ hồi sinh?

Giờ Bolero không còn bị xem là nhạc “vàng” cấm hát, nhưng vẫn mang tiếng nhạc “sến” ít giá trị nghệ thuật. Việc phủ sóng khá rộng của nó trong công chúng, gây mối nghi ngại không nhỏ về sự phát triển âm nhạc Việt đương đại có phần xuống dốc của các nhạc sĩ có tính hàn lâm, chuyên nghiệp và các nhà lý luận phê bình âm nhạc. Họ vẫn không cho đây là dòng nhạc có giá trị nghệ thuật cao, vẫn bảo lưu ý kiến là dòng nhạc bình dân ít giá trị sáng tạo nghệ thuật, thậm chí có người còn phản đối quyết liệt, cho rằng dòng nhạc Bolero là loại nhạc thấp kém, vô giá trị...

Các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật cho dù đã cấp phép cho các ca khúc thuộc dòng nhạc này lưu hành, phổ biến, biểu diễn, song vẫn nghi ngại tính “chính danh” của nó trong sự phát triển nền âm nhạc Việt đương đại. Và rõ ràng có một sự ứng xử với Bolero khá khác biệt giữa hai miền Nam Bắc...

Giữa các cơn lốc nhạc thị trường, nhạc thời trang thế giới du nhập nhiều thể loại mới với các tiết tấu sôi động, ồn ào, nhịp điệu nhanh mạnh… thì Bolero bỗng chợt tỉnh giấc, như một dòng chảy len lỏi chen vào, gây xao động, xáo trộn thị trường âm nhạc Việt. Nhìn ở góc độ tích cực, rõ ràng dòng nhạc Bolero với giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, giàu tính nhân văn, với nhiều cảm xúc tinh tế, mang đến công chúng vẻ đẹp thẩm mỹ khá thuần hậu. Nó như một dòng nhạc điều chỉnh, làm cân bằng môi trường âm nhạc Việt khi có quá nhiều thể loại nhạc mới đầy tính cách “hiện sinh” quá gợi cảm, hay cuồng nhiệt đến nổi loạn…

Âm nhạc không biên giới, không phân chia đẳng cấp, không phân biệt giàu nghèo… Âm nhạc cho tất cả mọi người, cho bất kỳ ai. Và không thể áp đặt ý muốn của người này lên người khác, để cho rằng âm nhạc này chính thống, âm nhạc kia vô giá trị. Bolero cũng vậy. Và tự thân Bolero cũng sẽ biết vị trí của dòng nhạc này ở đâu để “sống” và tồn tại theo nhu cầu của công chúng yêu âm nhạc.

Theo HOÀI THƯƠNG (Báo Văn hóa)