Cuốn sách do tác giả Đặng Kim Trâm biên soạn, bà cũng chính là em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Tác giả Đặng Kim viết nên cuốn sách dựa trên những trang nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trước khi lên đường vào phục vụ chiến trường miền nam. Cuốn sách giúp người đọc hiểu hơn về chân dung một Đặng Thùy Trâm với tuổi trẻ, tri thức và tràn đầy lý tưởng sống.
Theo bà Đặng Kim Trâm, cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được xuất bản lần đầu vào năm 2005, trên cơ sở 2 tập nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bị thất lạc trong trận càn mà quân Mỹ thu được, sau đó trao trả cho gia đình, do đó gia đình gọi là cuốn thứ nhất và cuốn thứ 2, xuất bản thu gọn vào một cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Cuốn sách xuất bản lần này gọi là cuốn nhật ký thứ 3, nhưng thực ra lại chính là cuốn đầu tiên, được bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong 2 năm cuối cùng, trước khi đi vào miền nam.
Cuốn nhật ký này, được Đặng Thùy Trâm gửi mẹ là bà Doãn Ngọc Trâm, được bà lưu giữ trong suốt mấy chục năm, đến nay gia đình quyết định công bố và gọi là “Cuốn nhật ký thứ ba”.

Ngoài những câu chuyện ở chiến trường, cuốn sách cũng cho người đọc thấy một góc nhìn rất khác về những trăn trở, lẽ sống làm người, về ước mơ cứu chữa bệnh nhân, về sứ mệnh của công dân khi đất nước đang bị chia cắt. Để rồi từ đó, cùng rất nhiều thanh niên miền bắc, không ngại hy sinh gian khổ, Đặng Thùy Trâm quyết tâm dấn thân vào chiến trường miền nam.
Biên tập viên Nguyễn Thị Ánh Ngân là người biên tập, hoàn thiện cuốn sách trước khi đến tay bạn đọc. Chị cũng là người về tận vùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi để tìm hiểu thêm nhiều điều về nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đó cũng là chuyến đi để lại nhiều ấn tượng với chị.
Chị Ánh Ngân cho biết, khi đến Đức Phổ, là nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh, sau khi sáp nhập các địa phương, đã có một xã được mang tên Đặng Thùy Trâm. Tại Đức Phổ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được người dân ở đó hết mực yêu quý như người nhà. Tình cảm của người dân ở đó khiến chị phần nào hiểu được thêm về một người con gái trẻ, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vừa tốt nghiệp, đang sống tại một thành phố yên bình nhưng sẵn sàng vứt bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Chị Ánh Ngân kể lại, địa điểm bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh, nay đã trở thành di tích, đường đi rất khó, đến thanh niên còn khó đi. Đấy là nơi này đã được sửa sang, tôn tạo, làm đường, chứ chưa nói đến hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt. Ở Đức Phổ, nữ bác sĩ, liệt sĩ như đã được nhân dân “ôm vào lòng”, bởi sự cống hiến và hy sinh của mình. “Có những vùng đất, những vị anh hùng mà phải khi đến với vùng đất đó, chúng ta mới cảm nhận hết được ý nghĩa của sự gắn bó của vị anh hùng đó với vùng đất đó”. – chị Ánh Ngân chia sẻ.
Tác giả Đặng Kim Trâm cũng chia sẻ về thời điểm gia đình nhận được tin bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh: “Trong suốt 3 năm, gia đình tôi vẫn thấp thỏm, hy vọng là báo tin nhầm, vì chưa nhận được giấy tờ. Cho đến khi Phòng Thương binh Xã hội báo tin sẽ đến trao giấy báo tử và làm lễ truy điệu, cả gia đình mới tin là sự thật. Ba mẹ tôi không nói gì, lặng lẽ và bình tĩnh tham dự lễ truy điệu. Nhưng không biết khi chỉ có hai cụ, ba mẹ tôi thế nào”.
Nói về cuốn sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba”, nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân cho rằng cuốn sách đã phản ánh một cách sâu sắc chiều sâu suy tư và nhân cách của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Thông qua cuốn sách, gia đình bà đã "viết tiếp" tuổi 20 bằng tình yêu, ký ức và góp phần phát triển một loại hình văn học mang tên nhật ký…