Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi tại kỳ họp thứ 3, khóa XV. Ảnh: SHTT
Theo đó, 4 điểm mới nổi bật được sửa đổi như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ:
Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã thay đổi một số thuật ngữ đơn cử như: Tác phẩm phái sinh; Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố; Sao chép; Tiền bản quyền; Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền…
Điều chỉnh quy định về tác giả, đồng tác giả:
Trong đó, bổ sung quy định mới như sau: Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.
Bổ sung quyền nhân thân của tác giả:
Cụ thể, bổ sung quy định tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Cho phép nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả trên Cổng dịch vụ công quốc gia:
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau: Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan. Bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính so với quy định hiện hành…
Trước đó, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Luật số 07/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ gồm 4 Điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023, trừ trường hợp quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.
Mục đích việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế SHTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ , góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Theo Báo Tin Tức