Chùa được lập năm 1952, do Đặng Văn Lý (Tỉnh trưởng Châu Đốc lúc bấy giờ) và Phạm Ngọc Đa (Hội trưởng Thông Thiên học) đề xướng, được đông đảo Phật tử ở nhiều nơi tán thành và đóng góp.
Sở dĩ chùa mang tên này là vì gắn chặt với câu chuyện về bảo thụ bồ đề (có nguồn gốc từ Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ). Để quản trị chùa và cây bồ đề, Hội Bồ Đề Đạo Tràng được thành lập. Từ đó về sau, đó là hội của các phật tử tự tu, tự giác và tự chứng, tu tại gia, tụ họp lại tu theo giáo lý Phật Thích Ca, là thành viên của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phật bà Quan Thế Âm Bồ tát hiền từ, được đặt cạnh lối vào Bồ Đề Đạo Tràng.
Bồ Đề Đạo Tràng thu hút khách xa gần bởi cây bồ đề - linh hồn của chùa. Năm 1950, bà Nguyễn Thị Có và Nguyễn Thị Hai (đại diện Hội Thông Thiên học Việt Nam) qua Adyar (Madras) dự lễ kỷ niệm thành lập Hội Thông Thiên học.
Đức Jinara Jadasa, Hội trưởng Hội Thông Thiên học Quốc tế tại Ấn Độ đã giao tặng cây bồ đề nhỏ (một phần của cây bồ đề tương truyền Phật Thích Ca đã ngồi thiền định) cho bà Hai. Sau khi bà trở về Sài Gòn, cây bồ đề được đặt tạm nơi đây.
Hương chức hội tề làng Châu Phú đã cùng viết “Tờ bàn nghị” vào ngày 12/2/1952, yêu cầu nhà chức trách tỉnh cho phép trồng cây bồ đề như là một “Quốc bảo”. Không lâu sau, Hội Thiên Thông học Việt Nam đã hiến cây bồ đề cho tỉnh Châu Đốc. Trước khi trồng cây bồ đề, mọi người tổ chức xe hoa, rước cây đi khắp vùng.
Ngày 9/5/1952, lễ hạ thổ chính thức diễn ra. Hạ thổ xong, phật tử dùng sữa tươi tưới cây. Chẳng bao lâu, bồ đề vươn lên 4 tược xanh tốt. Nhiều người khẳng định, đó là 4 chân lý (Tứ Diệu đế), mà Phật Thích Ca đã giác ngộ sau khi thăm các cửa thành Ca Tỳ La Vệ.
Sau nhiều thăng trầm, héo hon, rồi lại xanh tốt, cây bồ đề giờ tỏa bóng mát khắp ngôi chùa nhỏ. Theo sách Kỷ lục An Giang 2009, đây là “cây bồ đề lâu năm nhất của tỉnh”.
Phía trước cây bồ đề là tượng Phật Thích Ca đang ngồi nhập định, toát lên vẻ an yên, tĩnh tại đến với người trần.
Hầu như lúc nào cũng có người đến vái lạy, khẩn cầu trước Phật, mong tìm lại bình yên cho tâm hồn, gửi gắm ước mong cho cuộc sống, gia đình.
Ngoài bảo thụ bồ đề, chùa còn lưu giữ xá lợi Phật Thích Ca màu trắng bóng, nhỏ cỡ 2 hạt gạo. Ngọc xá lợi được đựng trong chiếc hộp, bảo quản cẩn thận trong tủ kính ở chánh điện.
Xá lợi do Thượng tọa Kim Quang thỉnh từ Ấn Độ về ngày 17/8/1991, để tặng cho đạo hữu Nguyễn Văn Phi và Nguyễn Thị Tuyết. Gia đình này đã cúng dường cho Hội Bồ Đề Đạo Tràng.
Bồ Đề Đạo Tràng nằm trong khuôn viên khiêm tốn, nhưng được chỉnh trang ngày càng tôn nghiêm, sạch đẹp, ấm cúng. Mỗi góc trong chùa đều mang đến cảm giác tự tại, yên bình.
Đây cũng là nơi mưu sinh của người dân, khi trông cậy vào lượng lớn khách tham quan Bồ Đề Đạo Tràng. Người phụ nữ hơn 60 tuổi trong ảnh đã nuôi con ăn học thành tài, sau hàng chục năm bám trụ bán vé số xung quanh chùa. Những lúc vắng khách, bà lại buông lỏng tâm tình, mong trời phật cho sức khỏe để tiếp tục chăm lo gia đình…
KHÁNH ĐĂNG