Brexit: Thị trưởng London kêu gọi công dân được giữ quốc tịch châu Âu

19/02/2020 - 10:21

Thị trưởng Khan cho biết khi Anh và EU sắp bước vào giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán, ông muốn vấn đề giữ quốc tịch EU được đưa ra bàn thảo.


Ông Sadiq Khan (bên phải) trả lời các câu hỏi của nhà báo ngày 18-2. (Nguồn: Getty Images)

Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan ngày 18-2 kêu gọi Thủ tướng Anh Boris Johnson nên cho phép người London nói riêng và người Anh nói chung được có cả quốc tịch châu Âu nhằm giúp nước Anh đỡ bị chia rẽ sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra năm 2016.

Lời kêu gọi được đưa ra trước khi Thị trưởng London lên đường sang Bỉ họp với một số nhân vật cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) như Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sasoli.

Viết trên trang web của mình, Thị trưởng Khan cho biết "hàng triệu người London và người Anh, những người đang rất thất vọng khi họ đang bị mất đi các quyền với tư cách là công dân EU. Khi Anh và EU sắp bước vào giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán, tôi muốn vấn đề giữ quốc tịch EU được đưa ra bàn thảo trong các cuộc đàm phán về tương lai quan hệ Anh-EU hậu Brexit."

Đề xuất của Thị trưởng Khan đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp EU như ông Guy Verhofstadt, người đứng đầu nhóm phụ trách Brexit trong Nghị viện châu Âu, người trích dẫn điều khoản trong Hiệp ước Maastricht là cơ sở để cho "quốc tịch châu Âu."

Ông này cho rằng Hiệp ước Maastricht đã đưa ra khái niệm về "quốc tịch châu Âu" và ông muốn dùng cái này làm căn cứ cho những người muốn giữ mối liên kết với châu Âu, cho rằng không thể chỉ vì Chính phủ Anh muốn ra khỏi EU mà các công dân lại phải mất đi mối liên kết của họ với châu lục.

Nước Anh đã bỏ phiểu rời khỏi EU hồi tháng 6-2016 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, ở London, gần 60% người London đã bày tỏ mong muốn ở lại EU. Sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý 2016, Thị trưởng Khan từng nói việc Anh ra khỏi thị trường đơn lẻ EU có thể là một sai lầm.

Sau ba năm rưỡi đàm phán, cuối cùng Anh đã ra khỏi EU vào ngày 31-1-2020, và có thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến hết năm 2020 để ký một số thỏa thuận quan trọng với EU, trong đó có thỏa thuận tự do thương mại.

Theo Vietnam+