Bức xúc vì bị dàn nhạc di động “khủng bố”!

16/07/2018 - 07:22

 - Vui cũng hát. Buồn cũng hát. Lúc ngẫu hứng mở loa hát bất kể giờ giấc… Cùng với những dàn Karaoke gia đình, khoảng 3 năm nay xuất hiện loa “kẹo kéo” (hay còn gọi “loa va-li”) rất thịnh hành và trở thành nỗi ám ảnh ở các khu dân cư, bởi hệ lụy từ tiếng ồn của những “dàn nhạc di động” này “khủng bố”.

Ám ảnh vì bị tra tấn

Cách nay chưa lâu ở Hà Tĩnh xảy ra vụ án mạng dẫn đến chết người, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ chuyện hát Karaoke của gia đình hàng xóm. Ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi, ngụ thôn Bình Tiến A, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đi nhậu về nghe tiếng hát karaoke quá lớn của hàng xóm dẫn đến cự cãi. Được mọi người can ngăn nên ông Lộc bỏ về. Đến nhà ông vẫn không ngủ được do bên kia vẫn tiếp tục hò hét nên mang theo dao trở qua nhà hàng xóm nói chuyện. Sau một hồi cãi vã, Lộc đâm 2 nhát khiến 1 người trong nhóm hát tử vong… Đây là một trong rất nhiều vụ ẩu đả, thậm chí gây ra án mạng, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện ca hát.

Một người mưu sinh bằng ngề hát rong bán kẹo kéo

Khoảng 3 năm nay, kể từ khi “loa kẹo kéo” xuất hiện trên thị trường với nhiều mức giá cho nhiều loại thùng, phù hợp túi tiền, dao động từ 1,5-5 triệu đồng, nhiều người đi mua để phục vụ nhu cầu giải trí. Cũng cần phải nói thêm, sinh hoạt văn nghệ là nhu cầu giải trí văn hóa lành mạnh, được pháp luật tôn trọng. Tất nhiên, cần phải ca hát trong điều kiện, hoàn cảnh nào để không ảnh hưởng đến xung quanh. Lâu lâu hoặc đám tiệc mới tổ chức hát vui vẻ thì chẳng ai nói gì. Đừng để chuyện hát hò trở thành “khủng bố” cuộc sống người khác!

Thử ngang qua vài quán ăn vào buổi tối sẽ dễ dàng bắt gặp những “gánh hát dạo” mà hầu như ngày nào cũng quen mặt với người dân trong khu vực. Trên đường Phạm Cự Lượng, từ 18 đến 21 giờ mỗi đêm, trước các quán nhậu thường xuất hiện mấy thùng “loa kẹo kéo” mở hết công suất với mấy giọng ca “nghiệp dư” rên rỉ những bài quen thuộc, như: Duyên phận, Đắp mộ cuộc tình… thậm chí hát nhiều bài nhạc “tiền chiến”, phản động! “Đây là khung giờ sinh hoạt gia đình, xem thời sự và học hành. Mấy cái thùng này tối nào cũng mở hết công suất, xa 500m vẫn còn nghe lồng lộng, riết rồi sinh hoạt bị đảo lộn, con cái không học hành được. Nhà nước cần mạnh tay dẹp đi cái kiểu “hành xác” này để cho dân nhờ”- một người dân bức xúc.

Ở ngay cạnh nhà tôi có người “hàng xóm” rất mê hát, mỗi tuần có ít nhất vài lần mở Karaoke hò hét. Những khi có tiệc tùng thì thuê nguyên dàn nhạc sống về mở “Liveshow” để cha con, chồng vợ cùng biểu diễn. Nếu hát hay cũng ráng chấp nhận, đằng này “nhạc 1 đường, ca 1 nẻo”, trong khi lại mở loa hết cỡ… Thật “bất hạnh” khi sống cạnh những người như thế!

Cần chế tài mạnh

Ô nhiễm tiếng ồn là một dạng ô nhiễm gây tổn hại đến sức khỏe thính lực, tinh thần và tim mạch, đôi khi tác động đến chức năng tính dục - sinh sản của con người và động vật. Hành vi gây tiếng ồn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Thông tư 39/2010 của Bộ Tài nguyên-Môi trường có ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Theo đó, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70dBA (từ 6-21 giờ) và 55dBA (21 - 6 giờ)… Hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo Nghị định 179/2013 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) quy định hành vi gây tiếng ồn tùy mức độ có thể bị xử lý phạt tiền từ 1-160 triệu đồng. Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3-6 tháng hoặc từ 6-12 tháng, tùy mức độ.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo “Quy chế sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa và kinh doanh trên địa bàn tỉnh” xin ý kiến đóng góp của các ban, ngành trước khi trình UBND tỉnh. Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng phương tiện phát âm thanh tràn lan, gồm có sử dụng “loa kẹo kéo”, Karaoke ở khu dân cư… Theo nhiều nhà quản lý, việc xây dựng quy chế là cần thiết, tuy nhiên, không nhắm vào xử phạt mà chủ yếu là tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức người dân. Yêu cầu các chủ cơ sở cho thuê mướn âm thanh cam kết phải mở trong giới hạn cho phép, khung giờ cụ thể… Tuyệt đối không mở âm thanh lớn ở những nơi công cộng, gần bệnh viện, trường học. Đồng thời, có thể bổ sung thêm quy định về việc không gây ô nhiễm tiếng ồn vào hương ước của địa phương hoặc trong các tiêu chuẩn về gia đình văn hóa hay khu dân cư văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, “ô nhiễm tiếng ồn” đang trở thành nỗi bức xúc lớn của xã hội và ông cũng rất đồng cảm với vấn đề này. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần chủ trì phối hợp tốt để ban hành quy chế phù hợp, hướng đến mục tiêu là nâng cao nhận thức người dân trong sử dụng âm thanh, trong văn hóa ứng xử, tôn trọng quyền được yên tĩnh của cộng đồng. Cùng với đó, người dân khi tổ chức tiệc tùng (nhất là có nhạc sống) cần xin phép chính quyền địa phương; hàng quán (có phục vụ âm thanh) cũng phải xin phép và cam kết… Bởi lẽ, ca hát cũng phải có văn hóa!

Bài, ảnh: LÊ NGUYỄN