Ê-kíp mổ chào đón bé gái thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc
Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn cho biết, nổi bật nhất là mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, ngành đã thực hiện mở rộng Bệnh viện Tim mạch, đưa vào hoạt động mới trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sáp nhập 4 đơn vị y tế tuyến tỉnh: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế; thực hiện khởi công khối nhà Sản thuộc dự án xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi An Giang giai đoạn I quy mô 200 giường bệnh, với tổng mức đầu tư 265 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, zika, tay-chân-miệng, cúm A/H5N1, các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, hạn chế số cas mắc các bệnh truyền nhiễm lưu hành, không để phát triển thành dịch lớn, không để các dịch bệnh mới phát sinh. Các chỉ tiêu cơ bản về KCB, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình đều đạt so với kế hoạch đề ra. Thực hiện phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Tim mạch, tiếp tục triển khai hỗ trợ KCB từ xa qua hệ thống robot.
Các bệnh viện tiếp nhận tốt chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên thông qua đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816. Từ đó, các kỹ thuật chuyên môn không ngừng phát triển, đặc biệt là các mũi nhọn: tim mạch, chấn thương chỉnh hình, hồi sức cấp cứu… đã cấp cứu, chữa trị kịp thời nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ chuyển viện lên tuyến trên. Riêng lĩnh vực tim mạch, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các kỹ thuật tim mạch can thiệp, Bệnh viện Tim mạch đã triển khai thực hiện phẫu thuật tim (từ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh). Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai đã làm giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện, đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí chất lượng bệnh viện, quy tắc ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh.
Các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thực hiện kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị như: Bệnh viện Sản - Nhi An Giang bơm Surfactan ở trẻ non tháng, tầm soát đái tháo đường thai kỳ, điều trị vô sinh (IUI), chụp nhũ ảnh, chụp cản quang tử cungvòi trứng, xét nghiệm phát hiện sớm ưng thư cổ tử cung, đẻ không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tầm soát đục thủy tinh thể và điếc bẩm sinh... Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang ứng dụng hệ thống robot trong KCB từ xa; ký kết làm vệ tinh với Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên môn với Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Ung bướu (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Trung ương TP. Cần Thơ... Tiếp nhận nhiều chuyển giao kỹ thuật mới hiện đại như: phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, nội soi mật tụy ngược dòng, laser móng mắt, phẫu thuật nội soi cấp cứu thủng loét dạ dày-tá tràng, ruột thừa, tắc ruột do dính, vết thương thấu bụng, lấy sỏi ống mật chủ qua nội soi (ERCP)... và đưa vào hoạt động Phòng can thiệp tim mạch (DSA).
Đầu tháng 2-2020, TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang đã ký kết hợp tác với Viện Di truyền Y học TP. Hồ Chí Minh “Triển khai tư vấn di truyền và xét nghiệm gene kỹ thuật mới”: tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật; phối hợp tư vấn, lấy mẫu phân tích xét nghiệm các mẫu máu, mẫu mô, mẫu phết niêm mạc miệng... xét nghiệm giải trình tự gene, đánh giá và phân tích kết quả xét nghiệm gene...
TS.BS Trần Quang Hiền cho biết: “Được sự hỗ trợ của Viện Di truyền Y học TP. Hồ Chí Minh hợp tác về xét nghiệm và di truyền, mở ra hướng đi mới, giúp bệnh viện phát triển kỹ thuật mới, y học cá thể, y học tầm soát chẩn đoán bệnh tật, phòng ngừa bệnh tật, giảm thiểu sinh ra trẻ em khuyết tật. Thực hiện các xét nghiệm này giúp sản phụ sàng lọc tiền sinh không xâm lấn, có thể xác định nguy cơ bất thường nghiêm trọng của thai nhi, giúp các bà mẹ mang thai an toàn, khỏe mạnh; giúp người dân An Giang có thêm cơ hội tiếp cận với kỹ thuật cao, hiện đại”.
Ngày 19-6, tại Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc (TP. Long Xuyên) đã đón em bé gái đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại bệnh viện cân nặng 3.100gr. Sau sanh, bé khóc to, các chỉ số sinh tồn tốt và bé có thể bú mẹ ngay sau sinh. Đây là kỹ thuật áp dụng thành công đầu tiên tại tỉnh do Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) chuyển giao. ThS.BS Hứa Văn Tấn, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng Khoa hiếm muộn cho biết: “Tháng 6-2019, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân L.NM.V, 32 tuổi, chưa có con, bệnh nhân được chỉ định làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vì chồng bị thiểu năng tinh trùng nặng. Ngày 17-7-2019, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ và bác sĩ chuyên gia của Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hạnh Phúc tiến hành chọc hút trứng cho bệnh nhân, kết quả có 9 phôi. Đến ngày 7-10-2020, bệnh nhân được chuyển phôi vào buồng tử cung. Đến ngày 19-10-2020, sau chuyển phôi 12 ngày, xét nghiệm máu cho kết quả có thai (β hCG 343,3mUI/ml). Thai được theo dõi và phát triển bình thường, khỏe mạnh. BS Tấn cho biết, đến nay, sau 1 năm tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) đã có 500 cặp vợ chồng đến bệnh viện khám và tư vấn hiếm muộn. Trong đó có 150 hồ sơ đăng ký IVF, đã chọc trứng gần 20 cas, trong đó có 10 cas đã được chuyển phôi với tỷ lệ có thai là 50%”.
Cùng với Khoa hiếm muộn và kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản được áp dụng tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác KCB của ngành y tế An Giang. Việc ứng dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại đã đáp ứng mong mỏi có con của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trên địa bàn tỉnh An Giang và khu vực lân cận, tiết kiệm rất nhiều công sức, thời gian và chi phí chữa trị cho người dân.
HẠNH CHÂU