Cả nước xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng

29/10/2022 - 16:11

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/10 cho thấy, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xếp dỡ hàng hóa Container tại Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%.

Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,72 tỷ USD, giảm 0,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 4,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 4,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,1%.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.

Trong 10 tháng có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,1%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,1%, tăng 0,1 điểm phần trăm. Nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,6 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

Về nhập khẩu hàng hóa tháng 10, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, giảm 1,7%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỷ USD, giảm 1,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 7,1%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 6,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5%.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 105,28 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,14 tỷ USD, tăng 12%.

Trong 10 tháng có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45%, giảm 1,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,7%, tăng 1,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỷ USD.

Trong 10 tháng, xuất siêu sang EU ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 53,7 tỷ USD, tăng 18,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 32,1 tỷ USD, tăng 17,9%; nhập siêu từ ASEAN 10,1 tỷ USD, tăng 0,8%.

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỷ USD.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, những tháng cuối năm sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng…chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.

Đặc biệt, việc tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Theo TTXVN