Cá trê thui rơm nấu miến, món đặc sản mẹ nấu năm xưa

26/05/2023 - 08:23

Cá trê được xiên dọc bụng, đem thui trên lửa rơm cho đến khi thịt cá căng lên, nứt và phát ra tiếng xèo xèo.

Mùa hè của những năm 1980, chúng tôi còn là lũ trẻ suốt ngày đầu trần chạy long nhong làng trên xóm dưới. Ấy vậy nhưng đến giờ nấu cơm là đứa nào đứa nấy chạy về nhà lo nấu nướng cho kịp giờ bố mẹ đi làm về có cơm.

Mấy đứa nhà có bố mẹ làm công nhân thì có vẻ như lịch đã cố định. Sáng trước khi đi làm, bố mẹ trộn gạo sẵn, hôm thì với ngô, hôm thì với đỗ cùng với mớ rau mua từ hôm trước.

Còn lũ trẻ con nhà nông dân chúng tôi thì mỗi bữa ăn là một bất ngờ bởi thức ăn phụ thuộc vào việc mẹ đi làm đồng về kiếm được con gì ngày hôm đó.

Bữa cơm tối bày giữa sân, cả nhà quây quần. Ảnh minh họa

Có một điều gần như cố định trong mùa hè là hầu như hôm nào mẹ cũng mang về một nắm cua, to nhỏ lẫn lộn và mớ rau tập tàng hái bên bờ ruộng hay nắm rau đay, mùng tơi hái vội trên đường về nhà.

Ngoài cua, mẹ tôi cũng mang về hôm thì một ít tôm tép con để rang mặn, hôm thì mấy con cá đủ niêu kho, hoặc đĩa rô ron rán giòn.

Chúng tôi đã quá quen với những bữa ăn như vậy. Bữa trưa thì ăn trong tiếng đàn hát của chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền phát lúc 11h30 trên chiếc loa phóng thanh lắp ngay cột điện đầu ngõ. Bữa tối cũng vẫn món canh chủ đạo đưa cơm và ít cá, tép thừa hoặc quả trứng kho.

Ngày đó, đĩa tôm rang của mẹ lên mâm là đảm bảo trên con tôm có lấm chấm trắng. Đó chính là muối. Lúc ăn mẹ vắt nửa quả chanh vào đĩa tôm cho dịu bớt vị mặn. Mẹ bảo phải rang mặn thế ăn mới không tanh, nhưng chúng tôi thừa hiểu phải rang mặn như thế thì chỗ tôm ít ỏi mẹ kiếm được mới đủ bữa cho cả nhà. Vậy mà cũng chẳng có ai kêu mặn, cơm canh ăn cứ vào thun thút.

"Chiến lợi phẩm" của mẹ

Những khi mẹ mang một “chiến lợi phẩm” nào đó từ cánh đồng về ngoài nắm cua để nấu canh như thường lệ là chúng tôi biết hôm đó sẽ có “tiệc”. Bởi món nào qua tay của mẹ tôi cũng thành “đặc sản”. Bố tôi khó tính mà vẫn phải công nhận mẹ nấu ăn ngon nhất. Tôi nhớ nhất là món cá trê thui rơm nấu miến.

Đó là những hôm mẹ may mắn kiếm được vài con cá trê béo mẫm, vàng ươm. Mùa những bông lúa đến độ trĩu bông cũng là mùa mọi sinh vật tràn căng sức sống. Mẹ sẽ cho cá vào cái xô và ném vào đó một nắm muối để cá ra nhớt. Lát sau mẹ lấy một nắm rơm và dùng nó để tuốt từng con cá đến sạch bong không còn chút nhớt nào. Rồi chỉ chờ nghe tiếng hô của mẹ, chúng tôi sẽ chạy đi rút rơm để mẹ thui cá.

Những con cá được xiên dọc bụng và thui trên lửa rơm đến khi mình căng lên, nứt ra và nghe thấy tiếng xèo xèo do mỡ chảy ra rơi vào lửa. Cá cứ từ từ chín và mùi thơm dậy lên nức mũi là mẹ dừng, sau đó mẹ rửa lại cá cho sạch ít tro dính trên thân cá. Rồi mẹ bắt đầu gỡ thịt để riêng một bát.

Ảnh minh họa: Điện máy xanh

Thịt cá chưa chín hẳn, phần bên trong vẫn hơi hồng hồng. Trời ạ, từng con mắt của chúng tôi cứ hau háu nhìn theo tay mẹ. Có đứa còn nuốt nước bọt ừng ực. Nhưng cấm chỉ đứa nào thò tay bốc vì mẹ dặn rồi, ăn bây giờ là có ông Tào Tháo hỏi thăm.

Rồi mẹ cũng xong khâu gỡ cá. Những chiếc xương dăm khi gỡ ra mẹ đã bỏ đi, phần còn lại là mấy cái đầu và xương sống còn dính ít thịt trên đó. Mẹ cho đầu, xương cùng mấy hạt muối vào cái cối đá và giã như giã cua, lọc lấy nước làm nước dùng. Rồi mẹ đặt nồi lên bếp, cho vào một xíu xiu mỡ lợn. Chờ mỡ nóng mẹ thả hành khô thái nhỏ phi thơm và cho thịt cá vào đảo qua với một chút nước mắm rồi múc ra bát để đó.

Tiếp đó, phần nước cá vừa lọc lúc trước được cho vào nồi, nêm mắm muối, đun sôi thì mẹ thả miến, rồi thả phần thịt cá. Nước sôi bùng lại thì thả rau thơm gồm hành hoa, mùi tàu, rau răm thái nhỏ - mấy thứ rau thơm giâm bên cạnh giếng nước mà cứ thế lên mơn mởn quanh năm.

Trong lúc mẹ nấu ở bếp, chúng tôi lo trải chiếu và sắp mâm bát. Lúc này trời đã nhập nhoạng, đèn đã được thắp sáng, trăng bắt đầu lên và cũng vừa lúc nồi miến cá thơm phưng phức được mẹ bê ra, đặt gọn trong cái rế tre để tránh nhọ nồi làm bẩn chiếu.

Khắp không gian dậy lên mùi thơm của nước cá hòa quyện với hành răm, màu nước canh vàng óng có những vệt mỡ của cá béo mùa gặt, lũ trẻ con háo hức, từng cánh tay nhỏ chỉ chờ đến lượt là giơ bát để mẹ múc.

Tối mùa hè nóng nực, mẹ vừa ăn vừa cầm cái quạt nan phe phẩy để lũ trẻ con đỡ nóng, thỉnh thoảng mới được cơn gió cái mát rượi. Bữa ăn ngoài sân diễn ra dưới ánh đèn dầu lẫn với ánh trăng, tiếng xì xoạp của lũ trẻ, tiếng bố mẹ nói chuyện làng trên xóm dưới, chuyện mùa gặt của mẹ, chuyện bố sẽ sắp xếp để cuối tuần được nghỉ thì đỡ việc đồng áng cho mẹ.

Xong bữa, mọi thứ được dọn rửa để chúng tôi chạy ra ngõ chơi trốn tìm với lũ trẻ hàng xóm. Mẹ hãm bình trà xanh để sẵn ngoài sân, lát nữa mấy cô chú hàng xóm sang chơi, cũng là để bàn kế hoạch mấy nhà đổi công gặt lúa cho nhau.

Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ chơi loanh quanh trong sân chờ nồi khoai luộc của mẹ bê ra. Và cũng thỉnh thoảng lũ chúng tôi ăn, chơi, nằm gác chân lên nhau tìm dải ngân hà với sao chổi rồi ngủ lăn luôn trên chiếu. Tàn cuộc trà, hàng xóm về thì chúng tôi nửa thức nửa ngủ nhưng sẽ giả vờ đang ngủ say để bố tôi phải bế từng đứa vào giường.

Những cánh đồng cũ đã không còn. Ảnh minh họa: Pexels.

Tôi vẫn về quê thăm bố mẹ nhưng không còn nhìn thấy những cánh đồng nữa. Nơi gần nhà thì đã biến thành phố xá, nơi xa thì xa quá tôi không đến vì nhà tôi đã không còn làm ruộng. Mẹ đã yếu, đôi chân lội bùn ngày nào giờ từng đêm nhức nhối vì chứng thấp khớp.

Mẹ tính tình bắt đầu lẩm cẩm, đã có lúc nhớ nhớ quên quên, nhưng vẫn thích kể chuyện ngày xưa. Nhà tôi không ăn cơm ngoài sân nữa vì con cái đã đi thoát ly và lập nghiệp xa nhà, chỉ còn hai bố mẹ trong căn nhà thênh thang. Mấy đứa trẻ con nhà chúng tôi mùa hè có về quê cũng không háo hức trải chiếu nằm gác chân lên nhau ngoài sân nhìn lên bầu trời đầy trăng sao nữa.

Cánh đồng không còn, cha mẹ đã già, những đứa trẻ của ngày xưa đã lớn, đến cái cối đá cũng đã được thay bằng cối gang. Vị ngọt béo và mùi thơm của nồi miến nấu cá trê thui rơm của mẹ cùng những câu chuyện mùa màng dưới ánh trăng ngoài sân chỉ còn trong ký ức.

Theo PHƯƠNG NHI (Vietnamnet