Các chính sách mới về tiền lương áp dụng năm 2021

01/12/2020 - 18:48

 - Năm 2021, nhiều chính sách mới liên quan đến tiền lương của người lao động (NLĐ) sẽ có hiệu lực, thay đổi so với năm 2020. Dưới đây là một số nội dung NLĐ, cán bộ, công chức, viên chức cần biết.

Chính sách tiền lương năm 2021 khu vực doanh nghiệp

Năm 2021 là năm đầu tiên Bộ luật Lao động 2019 chính thức được áp dụng với nhiều điểm mới trong quy định về lương thưởng. Ngoài ra dưới tác động của COVID-19 thì chính sách tiền lương năm 2021 khu vực doanh nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, lương tối thiểu vùng 2021 được đề xuất không tăng. Theo thông lệ hàng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ chốt mức lương tối thiểu vùng và trình Chính phủ quyết định, thông qua Nghị định về lương tối thiểu vùng. Kể từ năm 2008 đến nay, 2021 là năm đầu tiên mà Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng, các năm trước đều tăng. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ là: vùng 1 giữ nguyên 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là  3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng khi Chính phủ đồng ý và chính thức ban hành Nghị định mới.

Chính sách tiền lương năm 2021 khu vực công

Năm 2021, dự kiến chưa thực hiện cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân. Do tác động của COVID-19 mà kế hoạch cải cách tiền lương sẽ lùi lại và dự kiến bắt đầu áp dụng từ 1-7-2022 thay vì áp dụng từ 1-7-2021. Như vậy, chính sách tiền lương năm 2021 khu vực công dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2020. Có chăng chỉ là sự thay đổi về mức lương cơ sở, các chế độ phụ cấp vẫn sẽ giữ nguyên.

Về việc ủy quyền nhận lương của NLĐ

Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định NLĐ được ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp (hiện Bộ luật Lao động 2012 không có quy định này). Tuy nhiên, người được ủy quyền có nhận được tiền lương của NLĐ hay không sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: Việc ủy quyền phải hợp pháp; người sử dụng lao động đồng ý, bởi Luật quy định người sử dụng lao động có thể trả cho người được ủy quyền chứ không bắt buộc.

Về nguyên tắc trả lương cho NLĐ

Bổ sung quy định người sử dụng lao động không được: Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ; ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định (theo Khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019). NLĐ không phải trả phí mở tài khoản nếu trả lương qua ngân hàng (hiện hành theo quy định tại Khoản 2, Điều 94 Bộ luật Lao động 2012 thì hai bên thỏa thuận).

NLĐ được nhận bảng kê trả lương mỗi lần nhận lương, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). Đây là điểm mới tại Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động 2019, chưa có ở Luật Lao động 2012. NLĐ được đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương nếu bị trả lương chậm từ 15 ngày trở lên theo quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019. Theo quy định hiện hành, theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 thì số tiền đền bù sẽ được tính theo lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

Về quyền của NLĐ khi không được trả lương đúng hạn

NLĐ có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn. Cụ thể, theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 (hiện hành Điểm a Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định phải báo trước 3 ngày)

Về các trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây: Kết hôn (nghỉ 3 ngày); Con đẻ, con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi chết (nghỉ 3 ngày). Như vậy, so với quy định hiện hành tại Điều 116 Bộ luật Lao động 2012, từ năm 2021, trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì NLĐ được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương.

Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp “con đẻ”, “con nuôi” kết hôn thì được nghỉ 1 ngày (hiện hành, quy định “con” kết hôn thì nghỉ 1 ngày); “con đẻ”, “con nuôi” chết thì được nghỉ 3 ngày (hiện hành quy định “con” chết thì nghỉ 3 ngày).

K.N