Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 4/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Bên lề kỳ họp, phóng viên đã có trao đổi với các đại biểu về những tồn tại, khó khăn cản trở tăng trưởng, cũng như giải pháp tháo gỡ để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh): Quan tâm đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt
Trong một thế giới nhiều bất ổn, lạm phát thế giới hiện nay tăng cao trong 3 năm vừa qua, bình quân từ năm 2022, 2023 2024, mỗi năm bình quân tăng tới 6%, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và năm nay ước tăng khoảng 3,2%. Nhưng Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, đặc biệt chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc và đứng hạng thứ 17/194 quốc gia.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,13 triệu tấn gạo. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn và sẽ vượt kỷ lục của 2023.
Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua; bình quân từ năm 2015 đến nay lạm phát được kiểm soát ở mức 3%; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay, tích lũy như vậy là 100 tỷ USD; nợ công trên GDP được kéo giảm, tạo dư địa để chúng ta tiếp tục đầu tư các dự án lớn và kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm tăng trưởng khoảng 7% và phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2024.
Về năm 2025, đồng tình với báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội là phấn đấu tăng trưởng từ 6,5 đến 7% và cao hơn nữa là 7%-7,5%.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, theo tôi cần tập trung vào một số mục tiêu sau: Thứ nhất, ba động lực tăng trưởng. Về xuất khẩu, trong 9 tháng tiếp tục tăng trưởng 15,4%. Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 28%.
Vì vậy, cần phải có chính sách để kết nối FDI với các doanh nghiệp trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản. Gần đây các sản phẩm mang thương hiệu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin đã được xuất khẩu trên thị trường quốc tế với 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, doanh thu ngày càng tăng. Quan tâm đến việc xuất khẩu tại chỗ, qua về khuyến khích phát triển du lịch.
Thứ hai, tổng vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng lên nhưng khu vực dần dần thì tăng thấp, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao. Do đó, cần phải có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.
Thứ ba, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh trong 9 tháng tăng trưởng 8,8%, nhưng so với trước dịch còn thấp vì trước dịch chúng ta tăng trưởng 2 con số. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là vấn đề về giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025, bởi đây là năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc. Cho nên, rất mong Chính phủ quan tâm và đề xuất Quốc hội tăng lương ở khu vực lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi, mặc dù không tăng lương khu vực công thì được nhưng phải tăng lương hưu và tăng trợ cấp cho người có công.
Ngoài việc là khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… Chúng ta cần phải đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh, đó là: Khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên… Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này.
Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định): Tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế
Trong thời gian vừa qua chúng ta đạt bước tiến quan trọng trong quá trình hồi phục kinh tế. GDP 9 tháng tăng 6,82% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó quan trọng nhất là xuất khẩu tăng 15,68%, nhập khẩu tăng 15,84%. Bên cạnh đó, chúng ta tương đối thành công trong việc kiểm soát lạm phát, CPI tổng quát tháng 9 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm ngoái, tính chung 9 tháng CPI tăng 3,88%.
Tuy nhiên, để kinh tế ngày càng phát triển tôi kiến nghị tiếp tục nới lỏng, có thực chất chính sách tài khóa, duy trì việc giảm thuế VAT, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Về chính sách tiền tệ, nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến, xuất khẩu.
Ngoài ra, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này. Cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giữ ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang): Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, kinh tế - xã hội 9 tháng đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. GDP 9 tháng ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng qua đã vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện.
Về giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 11%; Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 8%, nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ rất khó đạt mục tiêu năm 2024 Quốc gia giao về mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách, quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn. Quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo và đặc biệt là quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra./.