Chợ truyền thống thay đổi để thích nghi

23/07/2025 - 06:47

 - Mua sắm trực tuyến, ứng dụng giao hàng đa dạng, linh hoạt trở thành xu hướng mua sắm quen thuộc được người dân chọn trong thời hiện đại. Đứng trước thách thức buộc phải đổi mới, chợ truyền thống chuyển mình để từng bước thích nghi.

Tiểu thương chợ truyền thống đang chuyển mình để thích nghi với thời đại số.

Vắng lặng, số lượng bán ra không đủ chi phí trang trải cho tiền thuê kiot... là thực trạng chung của các tiểu thương chợ truyền thống. Một số người bỏ nghề, số khác thử sức bước vào “thế trận” mới để tồn tại. Dạo một vòng chợ Mỹ Bình, phường Long Xuyên không khó bắt gặp các tiểu thương ngồi chăm chú nhìn điện thoại. Họ không lướt mạng để giết thời gian mà đang chỉnh sửa ảnh, viết bài quảng cáo về sản phẩm, trả lời khách hàng, đồng thời học hỏi cách bán hàng của những bạn nghề.

Bán trái cây hơn 15 năm nay, bà Mỹ Duyên thở dài: “Chật vật lắm, hôm nào có con thì đăng bài nhanh, còn ngày nào tự làm tôi phải mày mò khá lâu. So với 5 năm trước, khách đi chợ giảm nhiều, một phần từ sau dịch COVID-19, phần khác người dân thích mua hàng online hơn, tôi phải làm quen để tìm khách hàng”. Bên cạnh sự mới mẻ trong phương thức tiếp cận người mua, các sạp hàng từ nhu yếu phẩm đến trái cây đều niêm yết giá rõ ràng, giúp người đi chợ dễ nhận biết, không cần đắn đo bị nói thách hay phải trả giá.

Các tiểu thương tìm thấy nhau trong cách làm, lập nhóm trên Facebook hỗ trợ tăng tương tác, tìm khách hàng mới. Mỗi ngày, nhóm Chợ Mỹ Bình có hàng trăm bản tin mới được cập nhật. Người bán công khai hình ảnh, giá cả, xuất xứ nguồn hàng, địa chỉ để người mua có thể liên lạc thuận lợi nhất. Mặt hàng phong phú từ trái cây, thủy sản, hải sản, thịt gia súc, gia cầm... đến các món ăn vặt như chè, bánh dân gian, trà sữa, kem, sinh tố...

Dịch COVID-19 được xem như chất xúc tác làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến, tiện lợi mọi lúc mọi nơi. “Trong cái khó, ló cái khôn”, từ thời điểm đó, nhiều người không bỏ cuộc mà chuyển sang bán hàng online, tiếp cận khách hàng dễ hơn. Nhiều người đi chợ mua sắm trực tiếp áp dụng hình thức thanh toán chuyển khoản hoặc quét mã QR thay vì tiền mặt. Hầu hết các tiểu thương sẵn sàng ship hàng tận nhà cho khách khi có yêu cầu, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các kênh bán lẻ hiện đại khác.

Sau những clip đăng về tình trạng ế ẩm của tiểu thương ngày cận Tết Nguyên đán 2025 vừa qua, chị Xuân Trang - tiểu thương chuyên bán trái cây và hoa tươi tại xã An Châu được nhiều người biết đến. Nhận ra sức lan tỏa của mạng xã hội cần thiết cho việc buôn bán, chị chăm chỉ đăng clip về chuyện nghề, đặc điểm hàng hóa, trò chuyện với khách hàng, nhận đặt hoa và trái cây theo yêu cầu.

Từ hiệu ứng này, một số tiểu thương học hỏi, sẵn sàng vận chuyển hàng đến Khu công nghiệp Bình Hòa. Nhờ mạng xã hội, nhiều mặt hàng được bán theo mùa trở nên hấp dẫn hơn như trái sấu ở miền Bắc, trái nhót, táo mèo, mận Hà Nội, khoai sâm; đặc sản mùa nước nổi vận chuyển từ đầu nguồn về các chợ được tiểu thương chợ truyền thống đăng tải đầy đủ, giá cả rõ ràng, sơ chế theo yêu cầu.

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, ngụ phường Long Xuyên chia sẻ: “Mua sắm trực tuyến hiện nay tiện lợi đến nỗi ngay cả những món đồ nhỏ nhặt tôi cũng thích đặt hàng thay vì chạy ra chợ. Cây kẹp, móc quần áo, cuộn chỉ, đôi vớ... cứ gom vào đơn hàng, vài ngày có shipper gửi tận nhà. Mỗi ngày trên mạng có giờ vàng để được miễn phí vận chuyển, chưa kể khách hàng thuộc các hạng bạc, vàng, kim cương còn có thêm chính sách giảm giá trên từng đơn mua, điều này ở chợ truyền thống không có. Hiện nhiều người bán hàng trong chợ, siêu thị mini, nhà thuốc, cửa hàng tạp hóa… đã bán song song hình thức trực tuyến, tôi rất ủng hộ sự thay đổi này”.

Tuy nhiên không phải cứ hòa nhập là sẽ phát triển như mong đợi. Rời phương thức truyền thống để tiếp thu cái mới, gặp gỡ nhiều người mua hơn, các tiểu thương cũng bước vào môi trường cạnh tranh lớn hơn, đa dạng hơn. Ngay trên ứng dụng TikTok phải cạnh tranh từng clip sáng tạo nội dung để thu hút lượt xem trang cá nhân. Trên môi trường mạng, trăm người bán, vạn người mua và hình thức trao đổi, kinh doanh, chính sách thường xuyên đổi mới không ngừng. Do đó, đây chỉ là bước chuyển mình để người bán hàng truyền thống có tâm thế mới, tiếp tục thay đổi, nắm bắt sự dịch chuyển của thị trường nhằm không bị bỏ lại phía sau.

Chợ truyền thống chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động mua bán hàng ngày của người dân, nhất là ở các vùng nông thôn. Thực tế, những tiện ích của chuyển đổi số ở chợ truyền thống vẫn chưa được phổ biến, nhiều tiểu thương chưa sử dụng thành thạo công nghệ dù được hướng dẫn. Chủ sạp, người bán hàng đa phần kinh doanh lâu năm, lớn tuổi và khách hàng của họ cũng vậy, thấy việc quét mã là thao tác khó khăn hơn so với thanh toán tiền mặt. Ưu điểm của chợ truyền thống là bán các mặt hàng tươi ngon, giao tiếp gần gũi, nhiều mặt hàng bình dân và “mới mỗi ngày” mà siêu thị, mạng xã hội khó thay thế. Tận dụng cái mới và phát huy những ưu điểm sẵn có chính là cơ hội để người bán, người mua trao đổi ngày càng tiện lợi hơn.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH