Các nền kinh tế ASEAN dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19 và khả năng ứng phó

23/03/2020 - 09:00

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á khẩn trương tăng cường các biện pháp quyết liệt nhằm phòng chống sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, tình hình kinh tế của một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới đang trở nên xấu hơn.

Bối cảnh chung của khu vực

Tại Thái Lan, nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai ở ASEAN được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2020, do tác động của dịch COVID-19. Trong khi đó, Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) cũng đánh giá nền kinh tế “đất nước chùa Vàng” sẽ rơi vào một đợt suy thoái.

Chú thích ảnh

Người dân thủ đô Bangkok đổ xô đi mua hàng tại siêu thị BigC trưa 21-3 do lo ngại khả năng bị phong tỏa. Ảnh: Ngọc Quang/Pv TTXVN tại Thái Lan

Theo đánh giá của UTCC, các tác động của dịch COVID-19 sẽ lấy đi khoảng 600-700 tỷ baht (tương đương 20-23 tỷ USD) từ nền kinh tế nước này, khi GDP giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2020, sau đó giảm 0,5 điểm phần trăm trong cả năm.  

Trong bối cảnh Bangkok đang thảo luận về khả năng phong toả toàn bộ đất nước để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh trong thời gian tới, ngày 20-3 vừa qua, Hiệu trưởng UTCC Thanavath Phonvichai cho biết động thái này sẽ khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 8 tỷ baht (hơn 260 triệu USD) mỗi ngày, tương đương với 240 tỷ baht (8 tỷ USD) mỗi tháng. Trong đó, khoảng 180 tỷ baht (6 tỷ USD) giá trị thiệt hại bắt nguồn từ việc giảm lượng khách du lịch. Phần giá trị thiệt hại còn lại chủ yếu đến từ hoạt động, tương đương 60 tỷ baht (2 tỷ USD) mỗi tháng.

Tuy nhiên, Thái Lan chắc chắn không phải là nền kinh tế duy nhất chịu thiệt hại từ dịch COVID-19. Ngày 6/3 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá dịch bệnh lần này sẽ “tác động mạnh vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á”.

ADB đã đưa ra một loạt các kịch bản. Ở kịch bản trung tính, theo đó các biện pháp phòng dịch và hạn chế đi lại bắt đầu được nới lỏng vào tháng Tư tới, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trừ Trung Quốc, sẽ mất khoảng 22,3 tỷ USD, tương đương với 0,24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Còn trong kịch bản xấu nhất, với việc các lệnh hạn chế đi lại và sự suy giảm cầu nội địa kéo dài hơn sáu tháng, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực, không tính Trung Quốc, có thể sẽ thất thu 0,46% GDP, tương đương 42,2 tỷ USD.

Hiện nay, Malaysia và Philippines đã ban hành lệnh phong toả, bao gồm hạn chế đi lại trên toàn quốc, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và cấm tụ tập đông người. Thái Lan và Việt Nam đã đóng cửa trường học và các trung tâm giải trí. Indonesia ít nhất đã áp dụng một số biện pháp hạn chế trong thời điểm này.

Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Securities dự báo kinh tế Singapore và Thái Lan sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020 với mức sụt giảm lần lượt là 0,3 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm. Các nước còn lại trong nhóm ASEAN-5, gồm Malaysia, Indonesia và Philippines có lẽ sẽ tăng trưởng dưới mức trung bình trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.

Maybank Kim Eng Securities cho biết việc các lệnh phong toả tiếp tục được áp dụng ở nhiều nước trong khu vực sẽ làm lan rộng phạm vi thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra sang một loạt các lĩnh vực khác của nền kinh tế khu vực.

Ngay cả những lĩnh vực hướng ra bên ngoài như xuất khẩu, dầu khí và du lịch, cùng các dịch vụ “không thiết yếu” như bán lẻ, giải trí, thực phẩm và giải khát cũng không thể thoát khỏi thực tế này. Các cú sốc hiện nay, bao gồm sự bùng phát của dịch bệnh, giá dầu sụt giảm mạnh, cũng như ngày càng nhiều lệnh phong toả được ban hành sẽ tác động đến mỗi quốc gia ở các tính chất và mức độ khác nhau.

Những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất

Theo bảng xếp hạng của Maybank Kim Eng Securities, Malaysia là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, bởi nước này có các chỉ số đòn bẩy tài chính ở mức cao về nợ tiêu dùng, nợ nước ngoài và nợ công. Điều tương tự cũng xảy ra với Thái Lan khi xét đến nợ tiêu dùng, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Trong khi đó, cả Indonesia và Philippines cũng sẽ phải ghi nhận thâm hụt kép đối với tài khoá và tài khoản vãng lai.

Maybank Kim Eng Securities đánh giá các Chính phủ ASEAN đang đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài khoá nhưng một số nước có nhiều không gian tài khoá hơn các nước còn lại. Chẳng hạn như Singapore và Thái Lan có không gian tài khoá rộng hơn so với Malaysia và Indonesia. Nợ công và thâm hụt tài khoá cao, cộng với các biện pháp hạn chế tự áp dụng sẽ kiềm chế không gian tài khoá của Malaysia và Indonesia. Nợ công của Malaysia đã gần kịch trần, trong khi thâm hụt tài khoá của Indonesia được giới hạn ở mức 3% GDP.

Thêm vào đó, việc giá dầu sụt giảm sẽ tác động mạnh đến nguồn thu tài khoá của Malaysia, bởi vì có tới 25% nguồn thu tài khoá của nước này bắt nguồn từ dầu khí và các ngành nghề kinh doanh liên quan.

Ở chiều ngược lại, Singapore có không gian tài khoá rộng nhất và sẽ tung ra một gói kích thích thứ hai khi nước này sử dụng các khoản vốn thặng dư trị giá 7,7 tỷ đô la Singapore và các khoản dự trữ khổng lồ của mình.

Theo HỮU KIÊN (Báo Tin Tức)