Các nhà khoa học nghiên cứu mức độ vi nhựa ở Nam Cực

08/02/2024 - 08:52

Nhà sinh vật biển Paulo Tigreros người Colombia cùng các đồng nghiệp đang thực hiện chuyến thám hiểm khoa học để nghiên cứu mức độ vi nhựa ở Nam Cực - một trong những hệ sinh thái được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.

Chú thích ảnh

Nhà sinh vật biển Paulo Tigreros kiểm tra các mẫu vật thu được ở Eo biển Bransfield, Nam Cực. Ảnh: AFP

Nhà nghiên cứu Tigreros đã thả lưới xuống vùng nước băng giá ở Eo biển Gerlache, hành lang tự nhiên dài khoảng 160 km ngăn cách quần đảo Palmer và điểm cuối của Bán đảo Nam Cực. Các nhà khoa học sẽ sử dụng kính hiển vi và các thí nghiệm khác nhau để kiểm tra các mẫu vật thu được nhằm xác định mức độ vi nhựa trong đó.

Vi nhựa là các hạt nhựa nhỏ có kích thước nhỏ hơn 5mm sinh ra từ sự phân hủy của các sản phẩm nhựa và các hợp chất độc hại khác. Vật chất này đang gây chú ý khi được tìm thấy trong đại dương, các đám mây, thực phẩm và cơ thể động vật cũng như con người. Tuy nhiên, con người chưa biết nhiều về tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường. 

Chuyên gia Tigreros cho rằng vi nhựa đã tồn tại ở khắp nơi trong các đại dương và chúng có thể gây nguy hiểm cho động vật cũng như hệ sinh thái biển. Nhà khoa học Tigreros ví dụ như loài tôm ăn loại tảo cực nhỏ, được gọi là thực vật phù du, có thể nhầm các hạt vi nhựa nhỏ với thức ăn của nó. Trong khi đó, loài giáp xác biển nhỏ này lại là nguồn thức ăn của nhiều loài động vật lớn hơn. Khi một con cá voi ăn loài nhuyễn thể này, rất có thể các hạt vi nhựa sẽ xâm nhập vào ruột, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, cơ quan sinh sản, thậm chí cả khả năng bơi lội của nó.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Jorge Tadeo Lozano thuộc Đại học Bogota (Colombia), người cũng tham gia chuyến thám hiểm, cho biết Nam Cực là một lục địa hoàn toàn biệt lập với hoạt động của con người nhưng lại phản ánh các vấn đề môi trường của hành tinh. Ông cho rằng các hạt vi nhựa có thể đã đến khu vực này thông qua các dòng hải lưu, dòng khí quyển, phân của động vật biển và cá.

Trước đó, nghiên cứu do Đại học Canterbury (New Zealand) thực hiện năm 2019 đã cho thấy sự tồn tại của vi nhựa trong tuyết ở Nam Cực. Theo Liên hợp quốc (LHQ), mỗi năm thế giới sản xuất hơn 430 triệu tấn nhựa.  

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng cho rằng vi nhựa có thể gây thiệt hại lớn hơn cho Nam Cực khi giảm độ phản xạ của băng, thay đổi độ nhám bề mặt, thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật vốn có vai trò như chất cách nhiệt, và góp phần làm suy yếu cấu trúc băng. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), sự tan chảy của các sông băng, nơi chứa 90% nước ngọt của hành tinh, có thể khiến mực nước biển dâng cao 60 m.

Theo TTXVN