Trái đất được cấu tạo chính từ 3 lớp thành phần: lớp vỏ, lớp phủ manti và lõi Trái đất. Ảnh: Argonne National Laboratory
Họ hy vọng những mẫu phẩm này sẽ làm sáng tỏ các phản ứng hóa học sinh ra sự sống trên hành tinh xanh của chúng ta.
Theo đài Sputnik, các nhà khoa học đã đạt được thành tựu này nhờ vào một vị trí hiếm hoi dưới đáy biển Đại Tây Dương. Thông thường lớp phủ manti nằm sâu hàng kilomet so với lớp vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, tại vị trí đặc biệt dưới đáy Đại Tây Dương - ngọn núi dưới nước Massif, con người có thể chọc thủng lớp vỏ dưới đáy biển chỉ ở độ sâu 1,2 km và lấy mẫu trong lớp phủ manti. Trong những nỗ lực thu thập mẫu trước đây, các nhà khoa học đều phải tính toán đến việc khoan thủng lớp vỏ Trái đất dày 32 km mới chạm được đến lớp phủ manti.
Theo các nhà khoa học, thành công của tàu khoan JOIDES vượt xa những gì được dự đoán, và thay vì một mẫu nhỏ, các nhà khoa học đã thu được khối lượng lớn mẫu đất trong lớp phủ manti.
“Chúng ta chưa từng có một hố đào sâu đến thế này vào lớp vỏ Trái đất kể từ năm 1960. Chúng tôi đã đạt được thành tựu có thể giải đáp thắc mắc của cộng đồng khoa học trong nhiều thập kỷ qua”, Andrew McCaig, nhà khoa học kiêm trưởng của đoàn thám hiểm, nói với các hãng truyền thông Mỹ.
Mặc dù chiếc tàu khoan JOIDES của nhóm khoa học mới chỉ chạm đến vùng ranh giới giữa lớp vỏ và lớp phủ của Trái đất, được gọi là Moho theo tên nhà địa chấn học người Croatia Andrija Mohorovičić phiện ra nó vào năm 1909, song những mẫu đá thu thập được là những mẫu đá lớp phủ, gọi là peridotit ở dạng tương đối không bị xỉn màu. Thông thường, đá lớp phủ có thể được tìm thấy trên mặt đất sau khi một vụ phun trào núi lửa, song lúc đó nó đã bị hư hại do quá trình dung nham nóng chảy.
Trước đây, các nhà khoa học cũng đều từng triển khai những dự án để tiếp cận lớp phủ của Trái đất song thất bại. Đầu tiên là một dự án của Mỹ vào đầu những năm 1960 ngoài khơi bờ biển Mexico có tên là Dự án Mohole, chỉ khoan được đến độ sâu 108 m dưới đáy biển. Thứ hai là một dự án khác của Đức ở Bavaria từ năm 1987 đến năm 1995, với lỗ khoan siêu sâu KTB đạt đến độ sâu 9,1 km song đã phải dừng lại khi tiếp xúc với lớp đá ở nhiệt độ 260 độ C.
Tuy nhiên, điểm sâu nhất mà con người từng đạt tới là lỗ khoan siêu sâu Kola của Liên Xô, được khoan ở vùng cực Tây Bắc của đất nước từ năm 1970 đến 1995, đạt đến độ sâu đáng kinh ngạc là 12,2 km. Tuy nhiên, những người thợ trong dự án này không thể khoan sâu hơn vì đá nóng chảy liên tục nung chảy các mũi khoan.
Theo Báo Tin Tức