Các nước đặt niềm tin vào Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

05/11/2019 - 19:43

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chủ đề của năm ASEAN 2020 sẽ là 'Gắn kết và Chủ động thích ứng'.

Sáng nay, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan. Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN thời gian qua, hai điểm rất đáng chú ý sau một loạt các sự kiện. Thứ nhất là các nước thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới sự ổn định, hòa bình của Biển Đông; thứ hai là kỳ vọng về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, cũng là năm mà Việt Nam là Ủy viên không thường trực của HĐBA Liên Hợp Quốc.

Từ ngày 2 đến 4-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động, cả song phương và đa phương: dự và phát biểu tại 11 hội nghị, cuộc họp; gặp gỡ, làm việc với 19 đối tác lớn: Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Thủ tướng các nước: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Cố vấn An ninh Hoa Kỳ, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Hoàng tử Anh... Đặc biệt, vào đêm 4-11, tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc “búa Chủ tịch ASEAN” từ Thủ tướng Thái Lan và công bố Chủ đề cùng một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc “búa Chủ tịch ASEAN”

Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá, năm 2019, các nước ASEAN đã có tiến bộ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thời gian tới, ASEAN cần duy trì vai trò là lực lượng nòng cốt trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác ở khu vực; nhất trí sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài; thúc đẩy ASEAN phát triển bền vững, phù hợp với các mục tiêu của Chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững.

Nêu nhiều quan điểm đóng góp tại các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần đề cao đoàn kết và nhất trí của ASEAN. Trong bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen, các nước cần có tiếng nói chung, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, đóng góp hiệu quả cho hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Các nước ủng hộ một Biển Đông ổn định, hòa bình

Một điểm rất rõ tại các sự kiện lần này, đó là không chỉ tại HNCC ASEAN 35 mà cả các hội nghị ASEAN với các đối tác, các nhà lãnh đạo đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề Biển Đông, ủng hộ quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tại các hội nghị lần này, đó là xây dựng biển Đông hòa bình, ổn định dựa trên tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trước các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác, Thủ tướng cho biết, Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng. Vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN. Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định ASEAN đã giữ vững đoàn kết, thống nhất, thể hiện qua lập trường nêu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 52, đề cao tầm quan trọng của hòa bình ổn định, thượng tôn luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, nhấn mạnh kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982. Thủ tướng cũng bày tỏ nguyện vọng của Việt Nam xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình ổn định và phát triển bền vững.

Thừa ủy quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O'Brien đã dự Hội nghị ASEAN-Hoa Kỳ. Ông khẳng định lại lập trường của Hoa Kỳ, phản đối các hành vi ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp trên biển, không tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước và luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Hoa Kỳ luôn mong muốn các nước ASEAN đề cao đoàn kết nhất trí, các bên kiềm chế giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng DOC và sớm xây dựng COC hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển, nhấn mạnh ủng hộ lập trường của ASEAN, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Malaysia, ông Saifuddin Abdullah cũng đã bày tỏ sự quan ngại của Kuala Lumpur về sự xuất hiện của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của nước này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Tổng thư ký LHQ Antonio Guteres cho rằng cần đảm bảo hòa bình, ổn định, tự do, an ninh hàng hải và hàng không, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trên tinh thần đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong suốt chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng: “Nhiều năm qua, Biển Đông luôn được nhiều quốc gia quan tâm, nhưng tại hội nghị năm nay, rất nhiều lãnh đạo các quốc gia đều bày tỏ sự quan tâm hơn. Một trong những lý do chính là việc vừa qua có hoạt động trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Điều đó gây lo ngại rất lớn đối với các nước trong khu vực và thế giới. Thủ tướng đã khẳng định lại lập trường rõ ràng, nhất quán của Việt Nam tại hội nghị khác nhau, các cấp khác nhau. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Lập trường này được các nước rất ủng hộ”.

Tại các hội nghị ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Đông Á và nhiều hội nghị khác, lãnh đạo các nước dành nhiều thời gian thảo luận tình hình Biển Đông. Đa số các nước kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng Bộ qui tắc COC trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả.

“Gắn kết và chủ động thích ứng”

Một dấu mốc quan trọng tại hội nghị lần này, đó là việc Việt Nam nhận chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thái Lan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại lễ chuyển giao, đề cập đến “chất keo” gắn kết giữa các nước ASEAN là rất quan trọng, giúp duy trì mẫu sỗ lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ASEAN.

Những năm qua, ASEAN đã quan tâm thúc đẩy năng lực tự cường, tinh thần sáng tạo và tính bền vững của Cộng đồng ASEAN. Tiếp nối những nỗ lực đó, trong năm 2020, Việt Nam sẽ sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Với ý nghĩa ấy, chúng tôi lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của năm ASEAN 2020. Hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. Việt Nam trông đợi sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các Đối tác để hiện thực hóa tinh thần Chủ đề của Năm ASEAN 2020. Cộng đồng ASEAN đã lớn mạnh và trưởng thành vững vàng hơn 5 thập kỷ qua. Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy Cộng đồng, hành động vì Cộng đồng. Xin chào mừng Quý vị đến với Việt Nam năm ASEAN 2020.”

Với những thành tựu của Việt Nam trong phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, đóng góp tích và hiệu quả cho nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề nghị Việt Nam tăng cường các hoạt động hợp tác, kết nối giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc trong Năm Chủ tịch Asean 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021 của Việt Nam.

Thủ tướng Thái Lan thì mong muốn trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam và Thái Lan tiếp tục phối hợp xử lý các vấn đề có tác động chung đến ASEAN như ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước thúc đẩy thương mại..., thúc đẩy các mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của Asean, xử lý các vấn đề an ninh tại khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc và lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác như Anh, New Zealand, Ấn Độ, Nhật, Mỹ, Lào, Campuchia... đều bày tỏ chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, mong muốn thúc đẩy trao đổi, hợp tác đa phương giữa hai nước trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, với vai trò Chủ tịch ASEAN, các nước, gồm cả các đối tác lớn, đều muốn thông qua Việt Nam duy trì quan hệ và đẩy mạnh hơn nữa vai trò của mình đối với khu vực, bởi Việt Nam là một đối tác uy tín, luôn khách quan và nhất quán, tinh thần xây dựng:

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng: “Sau khi Việt Nam nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN thì chúng ta sẽ triển khai các đề án kế hoạch đã được chuẩn bị. Đặc biệt là khẩn trương chuẩn bị cho hội nghị bộ trưởng ngoại giao hẹp sắp tới vào tháng 1-2020 tại Nha Trang, đưa ra kế hoạch công tác cho cả năm. Ngoài ra các công việc chuẩn bị khác về hậu cần, triển khai các sáng kiến của chúng ta sẽ đi vào cụ thể. Các nước rất kỳ vọng vào vai trò chủ tịch của Việt Nam. Tại lễ nhậm chức, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã rất sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch và thông báo các chủ đề, ưu tiên của Việt Nam trong năm tới. Thủ tướng cũng truyền đạt một tư tưởng là ASEAN cần tư duy theo hướng cộng đồng thì mới bảo đảm thành công của ASEAN”.

Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, các nước đều đặt niềm tin, kỳ vọng vào một năm 2020 thành công của ASEAN. Ngoài việc tiếp triển khai các nhiệm vụ chung của ASEAN, thì một trong những kỳ vọng quan trọng nữa là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ được ký kết trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo VŨ DŨNG (VOV)